Nhằm giảm áp lực khai thác thủy sản ven bờ, tăng hiệu quả khai thác, đảm bảo lợi ích kinh tế bền vững cho ngư dân, gắn với bảo vệ môi trường biển, tỉnh Nghệ An đã có nhiều chủ trương, chính sách, hoạt động hiệu quả.
Thách thức từ thực tế
Nghệ An là tỉnh ven biển có nghề cá phát triển nhanh nhất khu vực Bắc Trung bộ trở ra. Hiện tại, toàn tỉnh có số lượng tàu hơn 4.000 chiếc, tổng công suất 369.453 CV; trong đó, tàu công suất dưới 20 CV khai thác ven bờ hơn 1.600 chiếc, chiếm 40%. Năm 2013, tổng sản lượng toàn tỉnh 127.000 tấn, bằng 119,8% so năm 2011; trong đó, sản lượng khai thác 85.000 tấn, bằng 127% so năm 2011.
Nhu cầu khai thác thủy sản của người dân ven biển rất lớn nhưng trình độ khai thác của ngư dân còn hạn chế; thiếu tàu công suất lớn, đánh bắt dài ngày trên biển; thiếu vốn để đổi mới, hoán cải tàu thuyền và trang bị thiết bị hiện đại phục vụ khai thác hiệu quả, đi biển an toàn; phần lớn các mô hình, cách thức khai thác tồn tại lâu năm, chậm được đầu tư, đổi mới.
Năm 2013, Nghệ An khai thác thủy sản đạt 85.000 tấn – Ảnh: Huy Hùng
Ông Trần Hữu Tiến, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Nghệ An cho biết, trước đây, tại các huyện ven biển (Quỳnh Lưu, Diễn Châu, Nghi Lộc, Cửa Lò), nghề kéo tôm, ốc hương… cho sản lượng và thu nhập cao, thì nay sản lượng giảm đáng kể. Ngư dân còn sử dụng cả chất nổ, xung điện khai thác, kéo theo nhiều hệ quả xấu về môi trường biển, mất cân bằng sinh thái. Với khả năng khai thác như hiện tại, nếu không có biện pháp ngăn chặn thì chắc chắn trong thời gian ngắn nguồn lợi thủy sản vùng biển ven bờ Nghệ An sẽ cạn kiệt – Đó là vấn đề lớn đặt ra cho ngành thủy sản và các cấp chính quyền tỉnh.
Hướng đi đúng
Trong những năm qua, tỉnh Nghệ An luôn chú trọng tuyên truyền vận động ngư dân sử dụng những nghề khai thác thân thiện môi trường (như nghề lưới rê, nghề câu); không khai thác trong thời gian thủy sản sinh sản, chưa đến thời kỳ khai thác và đối tượng cấm khai thác; không khai thác trong vùng cấm; khai thác thủy sản với ngư cụ có kích thước mắt lưới đúng quy định; không sử dụng các nghề cấm vào khai thác; kiên quyết xử lý nghiêm những hành vi vi phạm.
Đặc biệt, hiệu quả trong khai thác và bảo vệ nguồn lợi mà Nghệ An thực hiện là các chính sách hỗ trợ ngư dân đầu tư chuyển đổi nghề khai thác từ vùng lộng sang vùng khơi; mua sắm mới phương tiện có công suất lớn khai thác xa bờ; chuyển đổi sang nghề khác (như nuôi trồng, dịch vụ).
Ông Trần Hữu Tiến cho biết, Sở NN&PTNT Nghệ An có kế hoạch, từ nay đến năm 2015 sẽ chuyển đổi từ khai thác vùng lộng, ven bờ sang vùng khơi cho 120 tàu thuyền, với các nghề được chuyển đổi là rê gần bờ, lưới kéo tôm, lưới kéo gần bờ, sang các nghề câu mực, câu cá thu, cá ngừ, vây, lưới kéo xa bờ. Tỉnh sẽ huy động kinh phí từ 3 nguồn: vốn ngân sách nhà nước, vốn vay ưu đãi, vốn tự huy động của ngư dân, để thực hiện chuyển đổi nghề khai thác. Trong đó, vốn ngân sách nhà nước sẽ hỗ trợ kinh phí đào tạo, xây dựng mô hình chuyển đổi, du nhập nghề mới. Tỉnh đang nghiên cứu để ban hành các chính sách liên quan hỗ trợ ngư dân chuyển đổi nghề, từ các nghề khai thác xâm hại nguồn lợi và hệ sinh thái sang nghề khai thác vùng khơi; chính sách hỗ trợ bảo hiểm xã hội cho ngư dân tham gia hoạt động khai thác thủy sản trên biển; chính sách hỗ trợ rủi ro cho ngư dân.
Bên cạnh đó, tại các địa phương trong tỉnh đang xuất hiện thêm nhiều mô hình bảo vệ nguồn lợi thủy sản ven bờ; khai thác thủy sản, có sự tham gia của các tổ chức, cá nhân và chính quyền địa phương để cùng hỗ trợ, giúp đỡ ngư dân trong khai thác hiệu quả nguồn lợi thủy sản trên biển và tránh rủi ro khi đi biển.
Được sự giúp đỡ của Dự án Nguồn lợi thủy sản ven bờ vì sự phát triển bền vững (CRSD), xã Quỳnh Lập (thị xã Hoàng Mai) đã thành lập tổ đồng quản lý nghề cá ven bờ, hiện đã có 116 thành viên. Các thành viên trong tổ được chính quyền địa phương, ngành thủy sản và Dự án nguồn lợi ven biển tập huấn kỹ năng khai thác thủy sản trên biển, cách bảo vệ ngư trường, nguồn lợi ven bờ.
Việc thành lập tổ đồng quản lý sẽ giao quyền quản lý trực tiếp vùng biển ven bờ cho cộng đồng ngư dân ven biển vừa quản lý, bảo vệ vừa được quyền khai thác thủy sản bằng các nghề thân thiện môi trường. Đây là mô hình cho hiệu quả cao, được nhiều nước áp dụng.
Hiện tại xã Tiến Thủy (huyện Quỳnh Lưu) đã thành lập 18 tổ đội khai thác trên biển, với tổng số 126 tàu, mỗi tổ hợp có 6 – 7 phương tiện, trong đó gồm tàu khai thác và tàu chuyên tải phục vụ hậu cần.
Tại xã Diễn Bích (huyện Diễn Châu), Liên đoàn Lao động Nghệ An thành lập nghiệp đoàn nghề cá xã Diễn Bích. UBND xã Diễn Bích cho biết, toàn xã có gần 200 tàu thuyền đánh bắt thủy sản trên biển, với khoảng 1.500 lao động. Tham gia nghiệp đoàn nghề cá, ngư dân sẽ được hỗ trợ vốn, kỹ thuật, dịch vụ hậu cần; trang bị kiến thức giúp nhau tránh rủi ro, tai nạn khi đi biển, cùng nhau bảo vệ môi trường biển.
>> Nghệ An phấn đấu: Tổng sản lượng thủy sản năm 2015 đạt 105.000 tấn, năm 2020 đạt 110.000 tấn; trong đó, khai thác ổn định 55.000 – 60.000 tấn. Giai đoạn 2011 – 2015, phát triển đội tàu xa bờ, giảm dần đội tàu gần bờ, ổn định số phương tiện khai thác khoảng 4.000 phương tiện và giảm còn 3.600 – 3.700 chiếc đến năm 2020. |