Tại Quảng Ngãi, đến thời điểm này đã có 56 ha tôm bị dịch bệnh, chủ yếu là bệnh đốm trắng do virus gây nên, chiếm khoảng 10% diện tích thả nuôi.
Dịch bệnh xảy ra nhiều nhất ở huyện Tư Nghĩa với trên 30 ha, huyện Bình Sơn gần 10 ha. Đây là năm thứ 3 liên tiếp nhiều vùng nuôi tôm tại Quảng Ngãi bị bệnh đốm trắng gây thiệt hại lớn cho người nuôi tôm. Nguyên nhân phần lớn vẫn do con giống chưa qua kiểm dịch, mật độ thả nuôi nhiều hơn quy định 20 – 40 con/m2, môi trường bị ô nhiễm, thời tiết nắng nóng… Bên cạnh đó, ý thức của người dân trong công tác phòng chống dịch bệnh chưa cao, chủ yếu là tự điều trị và xả trực tiếp nước ao tôm bị bệnh chưa qua xử lý ra ngoài môi trường.
4 tháng, diện tích tôm mắc bệnh gan tụy cấp là 1.690 ha – Ảnh: PTC
Trong khi đó, tại Bình Định, hơn 70 ha mặt tôm nuôi bị dịch bệnh phải thu hoạch sớm… Nguyên nhân do thả tôm sớm, gặp rét lạnh kéo dài, sau đó thời tiết nắng nóng, độ mặn trong hồ nuôi tăng cao gây sốc cho tôm dẫn đến dịch bệnh.
Theo Cục Thú y, trong 4 tháng đầu năm, bệnh đốm trắng trên tôm xuất hiện ở 16 tỉnh, giảm 5 tỉnh so cùng kỳ năm trước, nhưng diện tích nuôi tôm bị bệnh đốm trắng lên đến 5.317 ha, cao hơn 2,5 lần so cùng kỳ. Hiện các tỉnh đang vào thời điểm nuôi tôm chính vụ, diện tích thả nuôi tăng mạnh, trong khi thời tiết nắng nóng làm tôm dễ bị suy yếu, cộng thêm môi trường ô nhiễm nặng…. do đó khả năng dịch bệnh tiếp tục xuất hiện ở nhiều địa phương và diện tích tôm chết có thể sẽ tăng.