Hỏi: Tôi đang muốn nuôi cá lóc trong bể xi măng, xin hỏi cần phải làm những gì? (chị Như – xã Hưng Mỹ, huyện Cái Nước, Cà Mau)
Xem thêm chuyên mục Hỏi – Đáp Thủy sản (Tạp chí Thủy sản Việt Nam)
Trả lời:
Để nuôi cá lóc trên bể xi măng, bạn cần phải chuẩn bị như sau:
Xây bể xi măng, tùy vào khả năng đầu tư của bạn mà xây bể nhiều hay ít, rộng hay hẹp, thông thường bể được xây hình chữ nhật để tiện chăm sóc, với thể tích (5×2,5×1) m. Phía bên trong bể được trát phẳng, bo tròn các góc, lắp đường ống cấp – thoát nước, che mái hoặc để ngoài trời. Nếu không có nguồn nước sạch (kênh, mương thủy lợi, ao) thì nên khoan giếng để cấp nước cho bể. Dùng lưới thưa vây xung quanh hoặc trên mặt bể để ngăn cá thoát ra ngoài, vì cá lóc có thể nhảy cao 1,5 – 2 m.
Bể xây xong cần ngâm nước nhiều lần với thân cây chuối và chà xát thành, đáy nhằm loại bỏ nước xi măng ngấm ra ngoài ảnh hưởng đến cá nuôi.
Sau khi ngâm cọ bể sạch, bơm nước vào (0,5 m) để 2 ngày rồi tiến hành thả giống. Chọn cỡ cá giống 4 – 6 cm, kích cỡ đều, không dị hình và phản xạ tốt. Mật độ thả: 7 – 15 con/m2 (tùy kinh nghiệm nuôi).
Thức ăn: Dùng thức ăn tự chế hoặc thức ăn công nghiệp, khi cá còn nhỏ nên xay cá tạp hoặc cám công nghiệp đạm cao (> 35%) cỡ vừa miệng cá, bổ sung thêm khoáng, Vitamin C, men tiêu hóa để tăng sức đề kháng cho cá. Cho cá ăn tháng đầu (4 lần/ngày),lượng thức ăn chiếm 7 – 10% trọng lượng cá; các tháng sau cho ăn 2 lần/ngày, lượng thức ăn giảm, chiếm 5 – 7% trọng lượng cá.
Trong 2 tháng đầu nên thay nước 1 lần/ngày, những tháng sau thay 2 lần/ngày và tăng mực nước bể lên 0,7 – 1 m.
Trong quá trình nuôi cần quan sát hoạt động của cá để điều chỉnh thức ăn và khắc phục các sự cố xảy ra như cá bệnh, tụt cống…
Hỏi: Tôm nuôi được một tháng, muốn diệt khuẩn định kỳ có được không, có ảnh hưởng đến tôm không và dùng thuốc gì thì tốt? (Phạm Văn Chung – xã Vĩnh Phong, huyện Vĩnh Thuận, tỉnh Kiên Giang)
Trả lời:
Nếu tôm nuôi phát triển bình thường, nước ao không có dấu hiệu ô nhiễm thì bạn không cần diệt khuẩn định kỳ mà nên bón chế phẩm sinh học định kỳ. Hóa chất được sử dụng diệt khuẩn đều ảnh hưởng đến sức khỏe tôm ít nhiều, sử dụng quá liều sẽ gây chết tôm hàng loạt. Do vậy, nếu nước ao nhà bạn có dấu hiệu ô nhiễm (màu nâu đen hoặc xanh đậm, có mùi hôi) thì nên diệt khuẩn bằng các loại như BKA, BKC, Formol… liều lượng theo hướng dẫn ghi trên bao bì.
Cần chọn thời điểm trời mát và tôm khỏe để diệt khuẩn nước ao; nên tăng cường quạt nước trong thời gian diệt khuẩn, sau đó bón chế phẩm sinh học để phục hồi hệ vi sinh trong nước.