Mới đây, lãnh đạo UBND tỉnh An Giang yêu cầu Sở NN&PTNT làm việc với lãnh đạo huyện Châu Phú, Phú Tân… chấm dứt việc thả nuôi tôm thẻ chân trắng (TTCT) tại các địa phương này.
Các cơ quan chuyên môn cho biết, vùng nuôi nước ngọt tỉnh An Giang nằm ở thượng nguồn sông Cửu Long, không thích hợp cho việc nuôi TTCT. Tuy nhiên, vì lợi ích trước mắt, một số nông dân ở huyện Châu Phú, Châu Thành khoan giếng tìm mạch nước lợ bơm xuống ao, rồi pha muối loãng để nuôi TTCT. Trong khi đó, đối tượng nuôi này sống ở môi trường nước mặn. Việc nuôi loài thủy sản này trong điều kiện nước ngọt ở An Giang sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng đến sản xuất nông nghiệp, đa dạng sinh học và môi trường sinh thái; ảnh hưởng cơ cấu giống loài thủy sản tự nhiên.
Hơn nữa, việc người nuôi tự khoan giếng lấy nước lợ pha muối để có độ mặn 2‰ và xả thải ra môi trường sẽ làm cho đất bị mặn hóa, nguồn nước nhiễm mặn lan rộng, ảnh hưởng đến nước ngầm, gia tăng nguy cơ lây lan mầm bệnh…
Theo khuyến cáo của Tổng cục Thủy sản, quy hoạch tổng thể phát triển thủy sản được Chính phủ phê duyệt cũng như các nghiên cứu cho thấy, trong thời điểm hiện tại không khuyến khích phát triển nuôi TTCT tại vùng nước ngọt.
Thời gian gần đây, nhiều nước trên thế giới rất chuộng tiêu thụ TTCT, vì thế trong năm 2014, nhiều khả năng Thái Lan, Trung Quốc và một số nước Đông Nam Á sẽ tăng sản lượng, cạnh tranh giá tôm với Việt Nam nên hiệu quả kinh tế sẽ giảm và nguy cơ thua lỗ là rất cao. Vì thế, người dân không nên đầu tư nuôi và mở rộng diện tích ào ạt theo cảm tính, điều này sẽ dễ dẫn đến hệ lụy khi giá bán tôm thương phẩm thấp.