Quảng Ninh: Giữ vùng nguyên liệu cho sản phẩm ngán Hoàng Tân

Chưa có đánh giá về bài viết

Với điều kiện tự nhiên ven biển, xã Hoàng Tân (TX Quảng Yên) có hệ thống rừng ngập mặn khá đa dạng, là nơi trú ngụ của nhiều loại hải sản có giá trị kinh tế cao, những điều kiện này đã tạo cho Hoàng Tân những tiềm năng, giá trị khác biệt, nổi trội mà hiếm địa phương nào trong tỉnh có được.

Để phát huy khai thác hiệu quả tiềm năng này, xã đã chủ động xây dựng các chương trình, kế hoạch để từng bước xây dựng thương hiệu nông sản mang tính đặc trưng của địa phương mình. Đáng chú ý là việc xây dựng phương án “Quản lý, bảo vệ và khai thác bền vững nguồn lợi ngán Hoàng Tân”.

Với trên 600ha đất bãi triều, ven biển, trên những cánh rừng ngập mặn của Hoàng Tân là nơi sinh trưởng lý tưởng của nhiều loại hải sản, trong đó có ngán sinh trưởng chủ yếu tại rừng ngập mặn thuộc địa bàn thôn 1 với sản lượng trung bình khoảng 1 tấn/năm. Do điều kiện tự nhiên, ngán trên địa bàn xã có nhiều đặc điểm khác biệt so với nhiều nơi khác của tỉnh. Đó là, vỏ dày, ruột ngán có mầu thẫm hơn, nhất là hàm lượng dinh dưỡng rất cao, được thị trường rất chuộng. Tuy nhiên, nhiều năm nay, việc khai thác nguồn lợi này không có kế hoạch, khai thác bừa bãi, không gắn với việc tái tạo nên sản lượng ngày càng giảm.

Khu vực khoanh nuôi, bảo vệ và khai thác ngán ở Hoàng Tân. 

Khu vực khoanh nuôi, bảo vệ và khai thác ngán ở Hoàng Tân.

Đứng trước thực trạng trên, Đảng uỷ, UBND xã đã xác định, việc khôi phục, bảo tồn và khai thác ngán một cách bền vững là vấn đề rất cấp bách, do đó, từ cuối năm 2013, xã đã phối hợp với các phòng, ban chuyên môn của huyện tổ chức nghiên cứu, đánh giá thực trạng nguồn lợi từ ngán để xây dựng phương án quản lý, bảo vệ và khai thác bền vững, từng bước xây dựng thương hiệu Ngán Hoàng Tân. Sau một thời gian nghiên cứu, thu thập tài liệu liên quan đến khí hậu, thời tiết, sự tác động của đánh bắt tự nhiên đến quá trình sinh trưởng của ngán, đến đầu tháng 4 năm nay, phương án “Quản lý, bảo vệ và khai thác bền vững nguồn lợi ngán Hoàng Tân” đã cơ bản hoàn thành. Mục tiêu chung của phương án là xây dựng kế hoạch quản lý, bảo vệ, khai thác bền vững nguồn lợi ngán dựa vào cộng đồng. Để phương án đạt tính khả thi cao nhất, xã đã thành lập Ban Quản lý gồm 7 thành viên với nhiệm vụ trọng tâm là: Phối hợp với các hộ dân thôn 1 khoanh vẽ bản đồ hiện trạng khu vực có ngán sinh sống; thảo luận, phân tích, xây dựng kế hoạch thả ngán, mua sắm phương tiện phục vụ công tác quản lý, tuần tra khu vực thả ngán. Đặc biệt, bằng kinh nghiệm dân gian và cơ sở khoa học, Ban Quản lý đã xây dựng được bộ quy chế về quản lý, bảo vệ, khai thác ngán như: Việc lựa chọn giống ngán phải đảm bảo chất lượng và sinh trưởng tốt; vào tháng 6 âm lịch hàng năm là mùa sinh sản, cấm mọi hành vi đánh bắt; cấm khai thác những con ngán nhỏ đường kính dưới 3,5cm, đồng thời xây dựng kế hoạch tuần tra, kiểm soát và xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm.

Đồng chí Vũ Mạnh Cường, Chủ tịch Hội Nông dân xã, kiêm Trưởng Ban Quản lý phương án “Quản lý, bảo vệ và khai thác bền vững nguồn lợi ngán Hoàng Tân” cho biết: Đến nay, chúng tôi đã quy hoạch được vùng lõi để khoanh nuôi, bảo vệ và khai thác ngán trên diện tích 125ha. Hiện, các cơ quan chuyên môn của xã đang tích cực làm tốt công tác vận động, tuyên truyền, nâng cao nhận thức của nhân dân về ý nghĩa, vai trò của việc triển khai phương án. Thời gian tới, xã sẽ đề nghị cấp trên xây dựng thương hiệu Ngán Hoàng Tân. Chắc chắn rằng, với cách làm này, chỉ trong tương lai gần, sản phẩm ngán của địa phương sẽ mang lại giá trị kinh tế cao, góp phần quan trọng vào nhiệm vụ phát triển kinh tế, giảm nghèo bền vững ở địa phương.

Quang Minh

Báo Quảng Ninh

Bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Hãy là người đầu tiên bình luận trong bài
error: Content is protected !!