Việt Nam sở hữu nhiều lợi thế để phát triển nuôi trồng thủy sản nước ngọt. Tuy nhiên, hiện nay lĩnh vực này vẫn chưa khai thác được hết tiềm năng, thế mạnh.
Khó khăn chủ quan
Thực tế nuôi lồng bè trên sông, hồ chứa, năng suất có thể gấp 10 – 20 lần nuôi trong ao hồ nhỏ; nhưng diện tích này còn rất lớn, chưa được đưa vào sử dụng nhiều. Việc nuôi cá nước lạnh, nuôi ruộng trũng (cá – lúa) cả nước có hơn 580.000 ha, nhưng diện tích nuôi thực tế chỉ đạt 10%. Nghề nuôi cá nước ngọt đã phát triển rộng khắp cả nước nhưng diện tích nuôi cá nước ngọt tập trung nhiều tại ĐBSCL; các sản phẩm xuất khẩu thủy sản nước ngọt với một số loài cá (rô phi, thát lát, trê, bống, chình…) nhưng kim ngạch xuất khẩu chưa đáng kể.
Trong quá trình thả nuôi, hầu hết các địa phương đều gặp khó khăn về con giống, giá thức ăn, thị trường tiêu thụ, công tác quản lý, quy hoạch…
Về tình hình con giống, hầu hết các cơ sở sản xuất giống hiện nay đều thiếu và yếu, cơ sở sản xuất không đồng bộ, việc kiểm soát của các cơ quan quản lý còn hạn chế nên chất lượng con giống không đảm bảo và thiếu về số lượng. Con giống ở miền Bắc chủ yếu được nhập khẩu qua đường tiểu ngạch, đặc biệt vào thời điểm đầu vụ; vì vậy giá bán cao và người nuôi gặp rủi ro nhiều, dẫn đến phát triển thiếu bền vững…
Nghề nuôi cá nước ngọt đã phát triển rộng khắp trên cả nước – Ảnh: Trung tâm Khuyến nông Hà Nội
Ông Đỗ Văn Toan, chủ một hộ nuôi cá lồng bè tại huyện Cát Hải, thành phố Hải Phòng cho biết: Khó khăn lớn nhất hiện nay với người nuôi ở đây là tình hình vốn, thị trường và dịch bệnh trên cá nuôi. Việc thả nuôi vẫn diễn ra nhỏ lẻ, tự phát, nên mỗi khi dịch bệnh xảy ra, người nuôi rất lo lắng và cũng gặp khó khăn trong việc tìm ra nguyên nhân để điều trị cho cá. Trong khi đó, nếu được mùa, giá cá cũng không cao do bị đẩy cho thương lái thu mua…
Khắc phục điểm yếu
Theo nhiều chuyên gia, để phát huy được thế mạnh, trong thời gian tới cần đẩy mạnh nghiên cứu giống mới, ít bệnh, thịt thơm ngon, tiêu hao thức ăn ít, lớn nhanh; Tăng cường và làm tốt công tác quản lý từ con giống, thức ăn, vật tư, công tác cảnh báo môi trường, quy hoạch vùng nuôi. Đẩy mạnh hoạt động khuyến ngư theo hướng vừa xây dựng mô hình vừa tập huấn đào tạo và thông tin tuyên truyền để nâng cao nhận thức cho người nuôi.
Theo TS Nguyễn Thanh Tùng, Viện trưởng Viện Kinh tế và Quy hoạch Thủy sản, cần rà soát, điều chỉnh quy hoạch theo nguyên tắc gắn sản xuất với thị trường tiêu thụ. Đây là yêu cầu cấp bách nhằm đảm bảo ổn định nguồn nguyên liệu thủy sản chế biến và tiêu dùng ở mức hợp lý, tránh tình trạng cung vượt cầu.
Nhiều đề xuất cũng được đưa ra gắn với giải pháp trước mắt, như: cần phải có quy hoạch cụ thể, đảm bảo con giống sạch bệnh và có chất lượng cao cung cấp cho người nuôi, tăng mức hỗ trợ đầu tư để hiện đại hóa cơ sở nghiên cứu, sản xuất giống thủy sản; Nhằm chủ động đáp ứng đủ giống tốt, kịp thời vụ, đáp ứng nhu cầu phát triển NTTS ở nhiều vùng sinh thái khác nhau, gắn NTTS với bảo vệ nguồn lợi thủy sản tự nhiên, giữ gìn cảnh quan môi trường sinh thái bền vững. Vận hành mạng lưới quan trắc chất lượng môi trường nước và giám sát dịch bệnh theo tiêu chuẩn của Bộ NN&PTNT nhằm giảm tối đa rủi ro cho người nuôi.
>> Trong Đề án tái cơ cấu ngành thủy sản đến năm 2020 cũng nêu rõ: tăng cường đầu tư cơ sở hạ tầng cho các vùng NTTS tập trung; phát triển sản xuất giống thủy sản chất lượng cao; hệ thống quản lý dịch bệnh và thú y thủy sản; hỗ trợ mô hình nuôi theo VietGAP; tổ chức lại sản xuất theo chuỗi giá trị… |