Hội Nghề cá Kiên Giang: Cần giải pháp cho nguồn lao động đi biển

Chưa có đánh giá về bài viết

Từ giữa năm 2013 đến nay, nhiều tàu khai thác tại Kiên Giang không ra khơi được, do thiếu lao động trầm trọng; đến nay, vẫn chưa có giải pháp hiệu quả đối với tình trạng này.

Thiếu thường xuyên

Theo ông Nguyễn Vân Thanh, Chủ tịch Hội Nghề cá Kiên Giang, tình trạng thiếu lao động diễn ra gay gắt từ năm 2013 đến nay. Tại thành phố Rạch Giá, có tới 30% số lượng tàu cá trong số 1.700 tàu đánh bắt xa bờ không thể ra khơi. Nguyên nhân, do hoạt động đánh bắt không hiệu quả, tiền lương sau mỗi chuyến biển thấp, nhiều ngư phủ bỏ tàu lên bờ làm phụ hồ, bán vé số… mưu sinh. Ông Thanh cũng nhấn mạnh, thời điểm đầu năm 2013, sau mỗi chuyến đi biển kéo dài 30 ngày, trừ chi phí, bình quân một thuyền viên thu nhập khoảng 5 triệu đồng. Nhưng từ tháng 7/2013 đến nay, các chủ tàu không còn tiền để chia nên đội ngũ này bỏ tàu rất nhiều.

Chủ tịch Hội Nghề cá TP Rạch Giá, ông Trương Văn Ngữ chia sẻ, đến thời điểm này vẫn còn nhiều tàu cá phải nằm bờ, vì thiếu vốn, thiếu lao động; hiện có khoảng 40% tàu cá của thành phố vẫn chưa thể ra khơi.

Cảng cá Tắc Cậu, Kiên Giang

Nhiều thuyền viên biết được tình trạng lao động khan hiếm nên đã nhận lời đi biển để xin chủ tàu cho tạm ứng tiền rồi “lặn” mất tăm, khiến chủ tàu vừa mất tiền tạm ứng vừa phải hủy cả chuyến ra khơi. Mỗi tàu cá đánh bắt xa bờ cần 10 – 15 người, tàu lớn cần 20 – 30 thuyền viên lao động trên ngư trường. Số lượng cần nhiều, trong khi thuyền viên lại “mất tích”, khiến hoạt động đánh bắt, khai thác thủy sản gặp nhiều khó khăn.

 

Khó khắc phục

Trong khi các chủ tàu thiếu thuyền viên ra khơi, bức xúc về tình trạng bị thuyền viên “cuỗm” tiền thì nhiều thuyền viên cũng cho biết: Nếu trước đây mỗi chuyến biển họ thu được 5 – 6 triệu đồng thì nay chỉ còn 2 – 3 triệu đồng; và nghiêm trọng hơn, khi chủ tàu thua lỗ, thuyền viên cũng “mất cả chì lẫn chài”.

Tình trạng trên diễn ra từ lâu. Hội Nghề cá Kiên Giang đã gửi báo cáo, đề xuất đến Sở NN&PTNT tỉnh. Nhưng đại diện Sở cũng cho đây là bài toán chưa có lời giải, vì đặc thù nghề đi biển cần nhiều lao động và giữa chủ tàu – thuyền viên chỉ thỏa thuận miệng với nhau chứ không có chứng từ pháp lý ràng buộc. Theo đó, khi chủ tàu bị ngư phủ lừa mất tiền phải đành “ngậm bồ hòn” chịu đựng. Ngược lại, nếu xảy ra tai nạn trên biển thì người lao động chỉ còn biết trông vào lương tâm chủ tàu.  

Chính vì vậy, bài toán nguồn lao động đi biển vẫn đang là thách thức không chỉ với Kiên Giang mà với hầu hết các địa phương ven biển; ở đây rất cần sự vào cuộc của các ban ngành chức năng, để sớm có những biện pháp hữu hiệu được thực thi.

>> Sở NN&PTNT Kiên Giang cho biết: Vài năm trở lại đây, tỉnh đã giao cho Trường Cao đẳng nghề Kiên Giang đào tạo miễn phí trung cấp nghề khai thác hải sản 150 chỉ tiêu/năm, nhưng chưa thực hiện được, do nhiều lần chiêu sinh mà ứng viên đăng ký không đủ số lượng để mở lớp.

Hương Ly

Bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Hãy là người đầu tiên bình luận trong bài
error: Content is protected !!