Ngày 17/6, Tổng thống Mỹ Barack Obama đã công bố kế hoạch lập khu bảo tồn biển lớn nhất thế giới ở Thái Bình Dương, bất chấp khả năng sẽ vấp phải sự phản đối quyết liệt của giới chức ngành công nghiệp đánh bắt cá cũng như các nhà lập pháp Mỹ lo ngại về việc người đứng đầu Nhà Trắng lạm dụng quyền hạn của người đứng đầu ngành hành pháp.
Phóng viên TTXVN tại Washington dẫn phát biểu của Tổng thống Obama trong cuốn băng video tại một hội nghị về các đại dương do Bộ Ngoại giao Mỹ đăng cai nói rằng vì các thế hệ tương lai “tôi cam kết sẽ sử dụng quyền là một Tổng thống Mỹ để bảo vệ một trong những phong cảnh biển quý báu nhất” còn lại ở vùng biển Thái Bình Dương.
Tổng thống Mỹ Barack Obama. (Nguồn: AFP/TTXVN)
Tổng thống Obama không nêu chi tiết khu bảo tồn này, nhưng các quan chức Nhà Trắng cho biết ông Obama đang cân nhắc sử dụng quyền hành pháp để mở rộng Khu Bảo tồn biển quốc gia đối với các đảo xa ở Thái Bình Dương, theo đó cấm mọi hình thức khoan thăm dò, đánh bắt cá hoặc các hành động khác.
Khu bảo tồn nằm trong kế hoạch của Tổng thống Obama chủ yếu bao gồm các đảo nhỏ không có người ở nằm giữa bang Hawaii và nhóm đảo American Samoa mà trước khi rời nhiệm sở năm 2009, Tổng thống Mỹ George W. Bush đã quyết định thành lập nhưng khi đó chỉ bao gồm 7 hòn đảo nhỏ với tổng diện tích khoảng 230.000km2.
Kế hoạch của Tổng thống Obama mở rộng khu bảo tồn biển này lên gần 10 lần, tới 2,1 triệu km2.
Tại vùng biển này có một số hình thái địa chất hiếm có nhất Trái Đất, như chuỗi 21 núi lửa và các rạn san hô. Mục đích lập khu bảo tồn này là nhằm bảo vệ hơn 1.000 loài sinh vật quý hiếm trong số 7.000 loài đang sống trong khu vực, nhất là hải cẩu và rùa xanh của Hawaii đang có nguy cơ bị tuyệt chủng.
Tuy nhiên, ngay sau khi Tổng thống Obama công bố kế hoạch này, Chủ tịch Ủy ban Tài nguyên thiên nhiên Hạ viện Mỹ, Hạ nghị sỹ Cộng hòa Doc Hastings ra thông cáo báo chỉ trích ông chủ Nhà Trắng lạm dụng quyền lực để đơn phương đưa ra các hành động và các quy định mới có tác động tới tất cả người dân Mỹ.