Thông thường mọi năm, thời điểm này là vụ thu hoạch chính của các hộ nuôi tôm thẻ chân trắng. Tuy nhiên, năm nay do tôm chết hàng loạt không rõ nguyên nhân, thua lỗ nặng nên nhiều hộ dân phải bỏ đìa, tìm kế khác mưu sinh.
Đìu hiu các đìa tôm
Tuy đang là cao điểm vụ thu hoạch tôm thẻ chân trắng, nhưng tại các đìa tôm ở thôn Phú Hữu, xã Ninh Ích, không khí khá đìu hiu. Hơn 50ha đìa nuôi tôm của thôn thì gần 80% bị bỏ hoang, các máy bơm tạo ô xy nằm ngổn ngang trên đìa, có đìa phủ đầy các lớp rêu xanh. Tìm hiểu được biết, một tháng trước, tôm thẻ chân trắng được nuôi ở các đìa chết hàng loạt mà không rõ nguyên nhân. Các hộ nuôi tôm phải bán đổ, bán tháo với giá rẻ.
Loay hoay sửa lại máy bơm, anh Nguyễn Văn Thành – thôn Phú Hữu, thở dài: “Nhà tôi có 2 đìa/ha, đầu tháng 4, tôi thả 60 vạn con giống tôm thẻ chân trắng, nuôi mới được 1 tháng, tự dưng tôm chết hàng loạt nổi lên trắng cả đìa. Do tôm chết, lại còn nhỏ nên đành bán với giá 30.000 đồng/kg. Tính tiền đầu tư, thuê nhân công, con giống, thức ăn… vụ tôm này tôi lỗ gần 80 triệu đồng”. Do thua lỗ nên để có tiền trả lãi vay ngân hàng đầu tư cho vụ tôm này, anh Thành phải chuyển qua làm phụ hồ. Ngoài ra, tranh thủ thời gian nghỉ, anh tự cải tạo lại đìa, thả nuôi lại 10 vạn con giống tôm thẻ chân trắng mới hy vọng vớt vát ít vốn.
Anh Thành sửa lại máy bơm để bơm nước vào đìa thả nuôi lại tôm.
Cạnh đìa anh Thành, 500 m2 đìa nuôi tôm thẻ chân trắng của gia đình ông Võ Đình Hổ cũng rơi vào cảnh tương tự. Lo sợ tôm chết giữa mùa, vụ này gia đình ông mua tôm giống thẻ chân trắng tại một công ty có uy tín ở Cà Ná (Phan Thiết) với giá 800.000 đồng/vạn con, đắt gấp 4 lần so với tôm giống trôi nổi ngoài thị trường. Thế nhưng, mới nuôi được 1,5 tháng, tôm của gia đình ông cũng chết hàng loạt, ông phải bán đổ, bán tháo với giá 40.000 đồng/kg. “Nếu tháng trước tôm không chết, thì giờ giá bán ra phải từ 100.000 – 110.000 đồng/kg. Vụ tôm này gia đình tôi chỉ dám thả nuôi 10 vạn con nên lỗ cũng ít, khoảng 20 triệu đồng” – ông Hổ nói. Để kiếm sống qua ngày, ông Hổ cải tạo lại đìa chuyển qua nuôi cua và một ít tôm sú theo hình thức nuôi quảng canh.
Không chỉ gia đình anh Thành, ông Hổ, trên 100 hộ nuôi tôm thẻ chân trắng ở xã Ninh Ích với khoảng 180ha đìa tôm cũng rơi vào cảnh tương tự.
Quay lại tổ dân phố Hậu Phước, Hà Liên, phường Ninh Hà sau gần một tháng xảy ra vụ hơn 210ha đìa tôm thẻ chân trắng của 160 hộ ở nơi này chết hàng loạt, chúng tôi nhận thấy nhiều đìa nuôi tôm ở đây đã bị bỏ hoang. Một số người chuyển sang nghề khác kiếm sống, có người cố gắng cải tạo đìa, thả nuôi lại với hy vọng gỡ lại được ít vốn. Ông Trần Văn Phước – tổ dân phố Hà Liên buồn rầu: “Từ đầu năm đến nay, tôi nuôi 2 lứa tôm thẻ chân trắng với 60 vạn con nhưng cả 2 lứa đều bị chết sau gần một tháng thả nuôi. 2 vụ trên tôi lỗ gần 60 triệu đồng. Hiện tôi đang nuôi theo kiểu quảng canh với 30 vạn con. Hy vọng tôm sẽ không chết như trước, để tôi gỡ lại ít vốn trả lãi ngân hàng”. Gia đình ông Ngọc Địch ở cùng thôn cũng thả 2 lượt với 40 vạn tôm thẻ chân trắng, được một tháng 10 ngày tôm bị chết hàng loạt không rõ nguyên nhân. Do lỗ nặng, ông Địch đã bỏ hoang đìa, vợ chồng ông đi mò ốc kiếm sống qua ngày.
Diện tích nuôi tôm giảm mạnh
Thị xã Ninh Hòa là một trong những địa phương có thế mạnh về nuôi trồng thủy sản, trong đó diện tích nuôi tôm thẻ chân trắng khá lớn. Tuy nhiên, những năm gần đây, do thời tiết thất thường, dịch bệnh nhiều nên việc nuôi trồng thủy sản gặp nhiều khó khăn, diện tích nuôi trồng giảm dần hàng năm.
Vụ đầu năm 2014, theo kế hoạch, toàn thị xã sẽ thả nuôi khoảng 800ha tôm thẻ chân trắng, nhưng tính đến thời điểm này mới chỉ thả nuôi được 300 – 400ha. Diện tích nuôi tôm giảm một phần do đầu ra không ổn định.
Mặt khác, năm nay thời tiết nắng nóng kéo dài, dịch bệnh bùng phát liên tục, trong khi giá thức ăn thủy sản tăng cao, vì vậy nhiều hộ nuôi tôm trên địa bàn đã bỏ nuôi hoặc thu hẹp diện tích so với kế hoạch. Ngoài ra, giá con giống tăng cao cũng là một trong những nguyên nhân khiến người nuôi tôm không mấy mặn mà.
Ông Phạm Huy Trường – Trưởng Trạm nuôi trồng thủy sản Ninh Hòa cho biết, khoảng đầu tháng 4 bà con bắt đầu thả nuôi tôm thẻ chân trắng. Theo quy trình, khoảng 2,5 tháng sẽ cho thu hoạch. Thế nhưng, do thời tiết nắng nóng kéo dài, bùng phát dịch bệnh nên mới hơn 1 tháng tôm đã bị bệnh chết, bà con đành phải thu hoạch sớm đem bán với hy vọng thu lại vốn. Sau khi phát hiện tôm chết hàng loạt, các ngành chức năng của tỉnh, thị xã đã xuống các địa bàn lấy mẫu kiểm tra nhưng đến nay chưa có kết luận chính thức về nguyên nhân gây ra tình trạng này.
“Qua thực tế cho thấy, thâm canh càng cao thì mức độ thiệt hại càng lớn và tuổi thọ môi trường nuôi càng ngắn. Vì vậy, chúng tôi khuyến cáo bà con nên nuôi thưa, rải vụ hoặc thả nuôi ghép, có thời gian nghỉ giữa các vụ. Mặt khác, nên chọn con giống chất lượng tại các công ty có uy tín, không nên mua giống trôi nổi trên thị trường. Đồng thời, không nên xả nước từ những ao đìa nuôi tôm đang bị bệnh ra môi trường bên ngoài mà chưa qua xử lý, vì như thế sẽ làm ảnh hưởng đến những diện tích xung quanh” – ông Trường nhấn mạnh.