Ngư nghiệp bền vững phải vươn ra khơi

Chưa có đánh giá về bài viết

Theo Neil Sims (ảnh), người sáng lập và quản lý cấp cao tại Kampachi Farm, một doanh nghiệp tiên phong nuôi cá ngoài khơi ở Mỹ, nuôi trồng thủy sản (NTTS) ngoài khơi đang bị “bỏ ngỏ”, nhưng đó lại là giải pháp giúp ngành ngư nghiệp Mỹ phát triển bền vững. Dưới đây là cuộc trò chuyện giữa Neil và phóng viên Intrafish.

Ông có thể cho biết một vài thông tin về sự khởi đầu của Kampachi Farms?

Kampachi Farms, LLC, do tôi và MiChael Bullock cùng gây dựng, tiếp bước công ty được coi là tiền thân của nó – Kona Blue Water Farms. Kona Blue là cơ sở đầu tiên tung ra thị trường thương hiệu Kona Kampachi – một “siêu phẩm” sashimi có nguyên liệu là cá cam Nhật Bản. Giống cá này được chúng tôi nuôi ngoài khơi, thuộc vùng biển Hawaii. Khi Kona Blue bị các chủ đầu tư ngừng hoạt động, tôi và Michael cùng nhận ra, tại sao chúng tôi không tiếp tục nuôi Kampachi; bởi chúng tôi nhận thấy thị trường đầy tiềm năng dành cho loài sản phẩm này vẫn đang bị “bỏ ngỏ”.

Kampachi dễ nuôi, sống tập trung ở các vùng nước ấm khắp thế giới. Nếu sự đầu tư của chúng tôi vào loài cá này thành công thì Kampachi sẽ được coi là cá hồi nước ấm của toàn thế giới. Chúng tôi vừa mở trại nuôi Kampachi tại La Paz, Baja (Mexico). Đây là bước khởi đầu hoạt động nuôi Kampachi có quy mô, và chắc chắn chất lượng cá ở đó sẽ không khác cá nguồn gốc Hawaii.

 

>> Cá cam (còn được gọi là amberjack, yellowtail kampachi, hamachi và hiramasa) là loài cá có vẩy, lớn, ăn thịt, có giá trị thương mại cao vì thịt chắc và hương vị thơm ngon. Chúng được nuôi bằng lồng ngoài khơi (ảnh), chủ yếu tại Nhật Bản và Australia, Mexico, Hawaii (Mỹ).


Theo ông, trở ngại lớn nhất đối với ngành NTTS Mỹ là gì và giải pháp cho những trở ngại này?

Theo tôi, ngành công nghiệp NTTS Mỹ nên vươn thêm ra khơi, ở những vùng nước sâu. Sự mở rộng này sẽ khiến nhiều nhà môi trường học lo ngại vì sợ tác động xấu tới đại dương; từ đó sẽ tác động không nhỏ tới các chính trị gia và người tiêu dùng thông qua các chiến dịch tẩy chay cá nuôi ngoài khơi để bảo vệ môi trường biển. Bởi vậy tôi nhìn thấy 3 trở ngại lớn nhất đối với sự phát triển của nghề NTTS tại Mỹ: các chính trị gia, người tiêu dùng và các tổ chức phi chính phủ. Tôi cũng thấy giải pháp chung cho cả 3 trở ngại này: thay đổi suy nghĩ sai lệch của các tổ chức phi chính phủ về ảnh hưởng của hoạt động NTTS đối với môi trường biển.

Tuy nhiên, cũng có một vài nhà lãnh đạo thực sự của các tổ chức bảo vệ môi trường hiện tại đều nhận ra rằng phải cởi mở hơn với việc mở rộng NTTS trên biển – đây là việc cần thiết với hành tinh chúng ta. Quỹ quốc tế Bảo vệ thiên nhiên (WWF) vừa đưa ra ý kiến cho rằng chứng nhận ASC cần song hành hoạt động nuôi thủy sản trên biển. WWF cũng đang tích cực nâng cao nhận thức của người NTTS trước các vấn nạn liên quan môi trường do hoạt động này gây ra.

 

Theo ông, loài nào cá nào có tiềm năng nuôi mở rộng trên biển?

Nhiều loài thủy sản trải dọc các bờ biển Mỹ nếu không có biện pháp bảo tồn sẽ sớm bị tận diệt. Cá hồng đang được nuôi ngoài khơi Costa Rica. Các trang trại ở Baja cũng đang bắt đầu nuôi Totoaba – một loại cá chẽm đang có nguy cơ cạn kiệt do đánh bắt quá mức. Open Blue ở Panama cũng đã tiến hành nuôi cá cobia. Đó là những loài cá nuôi ngoài khơi điển hình mà người tiêu dùng nên lưu ý.

>> Kampachi Farms được thành lập năm 2011, bởi Neil Sims và Michael Bullock – thành viên công ty tiên phong NTTS ở Hawaii (Kona Blue Water Farms). Mục tiêu Kampachi Farms hướng tới là: Phát triển mạnh hơn nữa các công nghệ nuôi trồng thủy hải sản xa bờ, mở rộng nghề nuôi trồng hải sản ở Mỹ và toàn cầu, như các hệ thống neo định vị ở vùng nước sâu, trang thiết bị tự động hóa hỗ trợ hoạt động NTTS; Giảm sự lệ thuộc của ngành thủy sản Mỹ vào nguồn lợi tự nhiên và nhập khẩu bằng các sản phẩm thay thế mang tính bền vững. Kampachi Farms tin tưởng nghề nuôi trồng hải sản bền vững sẽ là một giải pháp cứu cánh cho nạn đánh bắt quá mức như hiện nay; đồng thời giúp cán cân thương mại thủy sản nội địa đạt lợi nhuận khoảng 10 tỷ USD/năm.

M.T

Milan - Intrafish

Bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Hãy là người đầu tiên bình luận trong bài
error: Content is protected !!