T2, 06/07/2020 11:00

Cần khơi thông Đà Rằng – cửa sông quan trọng của Phú Yên

Chưa có đánh giá về bài viết

Cửa sông Đà Rằng là cửa sông quan trọng của tỉnh Phú Yên hướng ra biển, là nơi neo đậu cho khoảng 1.000 tàu cá của ngư dân phường 6 và phường Phú Đông (TP. Tuy Hòa); đồng thời là trung tâm mua bán cá ngừ đại dương lớn nhất duyên hải miền Trung.

Tuy nhiên, nhiều năm qua, cửa sông bị bồi lấp nghiêm trọng, gây khó khăn, nguy hiểm cho tàu thuyền ra vào. Thực trạng trên đang được các cấp, ngành chức năng và nhà khoa học tìm giải pháp tháo gỡ mang tính bền vững.

 

Cửa sông Đà Rằng thường xuyên bị bồi lấp, gây khó khăn, nguy hiểm cho tàu thuyền ra vào. Ảnh: VGP/Thế Phong

Theo Sở NN&PTNT Phú Yên, bình quân mỗi năm, bãi bồi khu vực cửa sông Đà Rằng bị bồi lấp khoảng 15m bờ phải và 8,5m bờ trái.

Từ những hiện tượng trên, PGS.TS Hoàng Văn Huân, Viện trưởng Viện Kỹ thuật biển (Bộ NN&PTNT) nhận định việc xói lở, bồi tụ bờ biển và bồi lấp cửa sông Đà Rằng là quá trình động lực thuộc loại phức tạp nhất trong lĩnh vực động lực sông-biển. Đây là một dạng thiên tai phổ biến xảy ra ở dọc bờ biển, cửa sông Việt Nam. Nguyên nhân là do tổng hòa các yếu tố tác động liên qua đến tiến hóa tự nhiên của dải ven biển cửa sông và tác động của con người.

Theo ông Đinh Quang Vũ Bình, Viện Khoa học Thủy lợi Việt Nam, việc nạo vét, khơi thông đường thủy, ổn định và phát triển đời sống dân cư ven sông Ba đổ ra cửa sông Đà Rằng là vô cùng cấp thiết. Khả năng khơi thông đường thủy hạ du sông Ba bằng nạo vét kết hợp với công trình chỉnh trị, bảo vệ bờ là hoàn toàn khả thi.

Riêng đối với cửa sông Đà Rằng, PGS.TS Hoàng Văn Huân đề xuất phương án nạo vét và không làm bất cứ công trình gì trên khu vực cửa sông (không xem xét các công trình trong cửa sông và khu vực cảng phía trong sông). Theo đó, khối lượng bùn cát cần nạo vét khoảng 300.000m3/năm và được chia làm hai đợt vào đầu và giữa mùa cạn với độ sâu cao trình -6m, đảm bảo cho các loại phương tiện nổi ra vào dễ dàng ngay cả khi triều cường thấp. Ngoài ra, có thể tiến hành xây dựng đập chắn cát với chiều dài 700m, cao trình đỉnh +1,5m.

Từ kinh nghiệm thực tế, TS. Nguyễn Thành Quang, nguyên Bí thư Tỉnh ủy Phú Yên, cho rằng việc nạo vét cửa sông và những cồn cát ngoài cửa biển là yêu cầu cấp thiết không những trước mắt mà cho cả lâu dài. Vấn đề quan trọng là cần có đánh giá tác động môi trường chính xác để tránh gây tác hại kèm theo; tăng cường trách nhiệm giữa các bên liên quan, đồng thời cử cán bộ giám sát, theo dõi diễn biến xói lở (nếu có).

TS. Nguyễn Thành Quang cũng cho rằng trong mùa cạn kiệt, cửa sông bị bồi lấp thì mùa mưa lũ sẽ gây ngập lụt và phá hai bờ sông. Do vậy, cần xúc tiến triển khai dự án quy hoạch, thiết kế, xây dựng hệ thống đê kè chống xói lở hai bên bờ sông Đà Rằng với chiều dài mỗi tuyến 15 – 20km. Dự án xây kè chống xói lở không chỉ bảo vệ khu dân cư và cơ sở hạ tầng, mà còn kết hợp với hệ thống giao thông sẽ tạo ra diện mạo, cảnh quan xinh đẹp mới cho cả đô thị và nông thôn.

Phó Chủ tịch Thường trực UBND Lê Văn Trúc khẳng định nạo vét cửa sông là nhu cầu rất cấp thiết, phục vụ cho tàu thuyền của ngư dân ra vào đánh bắt thủy sản. Tuy nhiên, về lâu dài, việc tiến hành nạo vét ở đâu, như thế nào, khối lượng bao nhiêu phải có đánh giá tác động môi trường cụ thể, có luận cứ khoa học và các giải pháp công trình; đồng thời đảm bảo các nhóm lợi ích về nông nghiệp, môi trường, thủy sản, giao thông thủy và du lịch…

Thế Phong

chinhphu.vn

Bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Hãy là người đầu tiên bình luận trong bài
error: Content is protected !!