T2, 06/07/2020 11:01

Nghề khụm sông Gianh

Chưa có đánh giá về bài viết

Người dân bảo nghề cào chắt chắt là nghề khụm. Khụm lưng cào, khụm lưng sàng, lọc cát sạn, rồi khụm lưng luộc, đãi những mảy chắt chắt nhỏ như hạt kê để thành những món ăn… ai cũng thích. Cả đời khụm trong nắng trên lạnh dưới, chưa già đã lắm bệnh. Được một điều con em xứ ấy ngoan mà học giỏi lắm, có làng đến hàng trăm tiến sĩ, cử nhân.

Với 213 dòng sông lớn nhỏ chảy qua đất Việt thì sông Gianh là dòng sông duy nhất chảy qua một tỉnh – Quảng Bình. Chắt chắt có trên sông Gianh từ cồn Cưởi (thị xã Ba Đồn) đến qua lèn Rồng (xã Phù Hóa, huyện Quảng Trạch). Loài hến nhỏ này sông ngòi miền Trung có nhiều nhưng ngon như chắt chắt sông Gianh thì thật khó. Chắt chắt sông Gianh làm với cái gì cũng ngon mà lành như cơm tẻ.

Hằng năm, vào cuối tháng 2 đầu tháng 3 âm lịch, sau một cơn mưa giông, nước ngọt đầu nguồn sông đổ về, tại đây nó gặp làn nước lợ từ dưới cửa biển dâng lên. Cuộc hoan lạc vĩ đại của dòng sông, sinh ra hàng triệu hàng triệu triệu con chắt chắt nhỏ li ti.

 

Nghề khụm ở Phù Hóa

Người dân Phù Hóa còn nghèo lắm và nghề cào chắt chắt như một “cứu cánh”. Mùa chắt chắt bắt đầu từ tháng ba đến tháng tám, nay người Phù Hóa tận dụng cào đến cả tháng mười, mười một âm lịch. Sang mùa giá rét, chắt chắt ít đi, hơn nữa mùa này có cào được cũng ít người ăn. Làm nghề cào chắt chắt, đồ nghề chỉ chiếc cào, sảo lớn, bao buộc lưng đựng chắt chắt. Đi cào thường đi đôi theo cặp, chồng cào vợ đãi. Thủy triều đứng là quơ bát cơm ăn vội, dằn bụng chống lạnh, nước rút là vác cái cào ra sông. Theo con nước triều mà mỗi tháng cũng thành đôi mùa, cào đêm và cào ngày.

Cả giải sông Gianh chỉ có cát, chắt chắt lẫn trong cát, cào cả cát cùng chắt chắt rồi sàng cát xuống sông, chắt chắt bỏ vào bao mang theo. Xưa mỗi buổi cào mấy bao chắt chắt đem đổi gạo, cũng chỉ chục lon. Hạt gạo xưa hiếm lắm trên vùng đất nghèo này. Ruộng ít, mất mùa vì bão lũ liên miên. Thật may, cứ tháng 3 kỳ đói “chết” lại có con chắt chắt, cha con, chồng vợ bất kể đêm ngày, khụm dưới sông kiếm “gạo”. Có năm gạo kém quá, cả bao chắt chắt chỉ đổi được đôi lon gạo, đành đãi chắt chắt mà nấu cháo, thêm rau, thêm sắn mà ăn. Cháo chắt nấu với cái gì cũng ăn no được, lại lành nữa. Chắt chắt nay hiếm hơn cũng được giá hơn, mỗi bao cũng bán vài chục ngàn đồng, tất cả tiền chi tiêu của gia đình đều từ đó mà ra cả. Đói thì hết, cái cảnh nấu cháo chắt chắt ăn thay cơm hết rồi nhưng nghèo thì… vưỡn.

Đãi cát lấy chắt chắt, một việc vừa nặng vừa khó, cũng thường dành cho phụ nữ

Cả buổi dầm trong nước, chân tay nước ăn toét ra, nhất là mấy ngón chân. Cứ bấm vào cát mà giật lùi kéo cái cào, cát khoét vào những vết lở, ăn vào đến xương. Lúc lội sông không đau, về nhà mới xót, buốt, không ngủ nổi, nhiều người phải lấy dầu hỏa bôi vào. Nhưng cũng thật lạ, làng Phù Hóa từ xưa đến nay lại được xem là đất học của tỉnh Quảng Bình. Làng là nơi sinh ra danh nhân văn hóa Nguyễn Hàm Ninh (thầy dạy học của vua Tự Đức). Làng Phù Hóa bây giờ tính ra có hàng  trăm người có học vị tiến sĩ, cử nhân… và hàng chục em vào đại học mỗi năm. Người già ở Phù Hóa thường cắt nghĩa cái nghề cào chắt chắt trên sông: “Làm nghề này mới biết chịu thương chịu khó để nên người, biết đem cho người cái ngọt ngào còn nhận về mình cay đắng nhọc nhằn. Biết ăn, biết ở trời cho lại”. Mẹ dúi vào cặp cho con củ sắn cùng hai khúc mía. Củ sắn vừa đi vừa ăn, hết khúc sắn, ấm bụng, ăn đến khúc mía, mát ruột cũng là đến trường, khúc mía ăn sau còn thêm cái phòng… say sắn. Trưa trên đường về  ăn nốt khúc mía thứ hai, cả chục cây số giữa trưa cũng không lo gục ngã

Con em Phù Hóa đến cấp 2 đã thạo nghề cào chắt chắt. Gặp kỳ cào đêm, có khi buông cái cào là vớ cái cặp sách chạy đến trường. Thời đói kém, các bà mẹ ở đây lo đường học cho con giản đơn như thế. Bao tiến sĩ, cử nhân đã ra đời như thế.

 

Chắt chắt món nghèo mà sang

Muốn ăn con chắt chắt cũng kỳ công lắm. Chắt chắt cào được đem xa (rửa) thật kỹ vài ba nước để cho ráo rồi đun xoong nước thật sôi, khi đó mới thả chắt chắt vào, bỏ ít muối hạt, dùng bó đũa đánh nhiều lần để gạt nhân sang xoong khác. Bị nước nóng vỏ chắt chắt nở ra, mặt rời vỏ, nổi lên theo nước sang xoong khác. Cứ gạn qua gạn về cho hết mặt thì thôi. Nước chắt chắt sau khi nấu xong có thể làm canh chan ăn ngay với cơm có thêm chút muối ớt, gừng, cảm giác ngọt lịm. Người thích ăn kiểu thông thường thì có thêm ít rau muống hay rau tập tàng thái nhỏ đun vừa chín tới, chan với cơm hoặc bắp rang để ăn. Còn nhân chắt chắt nếu ăn bình thường thì đổ lẫn canh, nếu muốn làm món nhậu thì vớt ra cho vào chảo, bỏ ít dầu, gia vị xào lên, đem xúc bánh tráng, còn ăn được chừng nào thì còn thèm chừng ấy.

Cào chắt thường có đôi: chồng cào, vợ đãi… – Ảnh: Xuân Trường

Xưa chắt chắt là món ăn của người nghèo, nay chắt chắt thành đặc sản, được các quán nhậu khai thác triệt để, hút… nhậu khách. Lấy bánh đa xúc vào dĩa chắt chắt, dùng đũa gắp một ngọn rau thơm để lên trên và đưa vào miệng. Từ từ nhai để tận hưởng cái giòn tan của bánh đa, cái hương thơm đượm vị phù sa của vừng, cái ngầy ngậy của chắt chắt, trong một chút cay của ớt, một chút chua của cà, một chút nồng của tiêu, một chút thơm của hành… Và cảm giác như vũ trụ đã hội đủ trong vòm họng… chắt chắt còn được xào với mít non lá lốt. Dân nhậu Quảng Bình phong chắt chắt là “đệ nhất dinh dưỡng” và “đệ nhất sạch”…

Người Phù Hóa bây giờ có cái tục mở hàng đầu năm bằng cào chắt chắt. Không phải tâm linh gì mà vì… con cái học hành nhiều. Nghe vô lý mà thực. Con em đi học mấy chục năm, trưởng thành trên mọi phương trời, ngày tết mới về được. Đi xa về không xin gì bố mẹ, chỉ xin bữa chắt chắt buổi ra tết lên đường. Người làm nghề khụm vì thế mà mở hàng lội sông từ mùng 2 mùng 3 tết. Vừa kiếm con chắt chắt cho con cái một bữa, kiếm thêm chút tiền sau tết, dân khụm bao giờ cũng vẫn nghèo, chắt chắt dịp ấy… “vừa bán vừa la vẫn đắt hàng”.

>> Người nơi xa về Quảng Bình chơi, có hai món hay được giới thiệu như món ăn nghèo mà sang, chưa ăn chưa đến Quảng Bình là cháo hàu sông Nhật Lệ và chắt chắt sông Gianh ở Quảng Trạch. Chiều hè ngồi bên quán cóc bờ sông Gianh uống ly bia cỏ với đĩa chắt chắt xào lá lốt, ăn no, uống say, tối đêm lúc nào không biết.

Xuân Trường - Phan Phương

Bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Hãy là người đầu tiên bình luận trong bài
error: Content is protected !!