Huyện Điện Biên (tỉnh Điện Biên) có 1.195 ha mặt nước nuôi thủy sản. Những năm gần đây, nhiều mô hình thủy sản phát triển theo hướng hàng hóa đạt hiệu quả cao.
Tiêu biểu, HTX Nuôi trồng thủy sản (NTTS), gia súc, gia cầm Thanh Hưng với hình thức sản xuất đa dạng, đáp ứng tốt nhu cầu thị trường đã mang lại thu nhập ổn định cho hội viên. Nắm bắt nhu cầu cần lượng thực phẩm lớn phục vụ dịp Kỷ niệm 60 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ, từ cuối năm 2013, HTX đã mở rộng, cải tạo diện tích ao, hồ thả nuôi cá rô phi đơn tính, chép, trôi. Ba tháng đầu năm 2014, HTX xuất bán trên chục tấn cá cho thị trường TP Điện Biên Phủ. Ban Chủ nhiệm HTX thường xuyên trao đổi thông tin về giá cả, thị trường, tình hình dịch bệnh để xã viên nắm bắt, xử lý kịp thời. Hàng năm, mỗi xã viên có thu nhập 50 – 70 triệu đồng.
Ngoài ra, phải kể đến mô hình nuôi cá lồng của HTX Thủy sản Pe Luông. Qua học hỏi kinh nghiệm một số mô hình nuôi cá lồng hiệu quả, HTX tận dụng lợi thế hồ Pe Luông rộng lớn, phát triển 30 ha mặt nước để nuôi cá lồng. Hiện, HTX có 10 lồng chuyên nuôi cá trắm cỏ, chép lai, trê lai… Cá chủ yếu cung cấp cho thị trường TP Điện Biên Phủ và một số huyện, thị trong tỉnh. Thu nhập của xã viên bình quân 50 – 80 triệu đồng/năm.
Bên cạnh đó, nhiều mô hình nuôi cá của các xã khó khăn được huyện hỗ trợ bước đầu cũng đem lại hiệu quả như: mô hình nuôi cá hệ VAC triển khai từ đầu năm 2013 tại xã Mường Nhà với 32 hộ tham gia trên diện tích 2 ha mặt nước. Sau một năm, cá rô đơn tính đạt trọng lượng 0,8 – 1 kg/con, trắm cỏ 0,7 – 0,9 kg/con.