Hàng năm, vào thời điểm tháng 6 âm lịch, khi nước lũ đổ về thì hơn 100 hộ dân ở ấp Bình Phú Lợi, xã Bình Thạnh, huyện Cao Lãnh tất bật chuẩn bị nông ngư cụ bắt đầu nghề câu lưới, đặt lọp tép… Nghề này giúp người dân địa phương có thêm thu nhập, góp phần giải quyết lao động nhàn rỗi nhưng hiện tại bà con theo nghề cũng gặp không ít khó khăn.
Trong những ngày trung tuần tháng 7, chúng tôi có dịp đến thăm gia đình ông Nguyễn Văn Cu ở ấp Bình Phú Lợi, xã Bình Thạnh. Đang bận rộn chuẩn bị cho buổi đặt lọp tép, ông cho biết: “Tôi làm nghề đặt lọp tép trên 20 năm, con nước vừa quay là mua trúc về làm lọp, mỗi vụ làm 50 cái. Đến con nước đục là vào mùa đặt lọp. Mỗi ngày tranh thủ đặt từ 12 giờ trưa tới 12 giờ đêm thì dỡ lọp. Những ngày đầu mùa, mỗi ngày chỉ đặt được 1kg tép, bán cũng được 120.000 đồng”.
Ông Nguyễn Văn Cu ở ấp Bình Phú Lợi, xã Bình Thạnh chuẩn bị cho buổi đi đặt lọp tép
Người chuyên sinh sống bằng nghề câu lưới ở đây cho biết, để đầu tư dụng cụ, phương tiện thì khoản vốn mà họ bỏ ra không ít, cụ thể như lú bắt cá khoảng 300.000 đồng/cái, đó là chưa kể xuồng, máy. Ước tính, mỗi hộ trang bị đầy đủ cũng tốn vài chục triệu đồng. Bình quân mỗi hộ đầu tư từ 60 cái lú trở lên.
Hiện tại, do lượng thủy sản giảm đi rất nhiều so với những năm trước, nên cuộc sống của những hộ chuyên nghề câu lưới ở đây chỉ làm ngày nào ăn ngày nấy. Anh Lê Bá Minh, ấp Bình Phú Lợi gắn bó với nghề đặt lú nhiều năm nay chia sẻ thêm: “Tôi làm nghề đặt lú xếp 6 năm rồi, thu nhập tùy bữa, có khi hai ba trăm ngàn, khi vài chục ngàn đồng. Nói chung cũng đủ sống chứ không có dư. Chắc thời gian tới tôi phải chuyển nghề”.
Ông Nguyễn Minh Tuấn – Chủ tịch UBND xã Bình Thạnh cho biết: “Với đặt thù là xã cù lao, nên nghề câu lưới của bà con nông dân cũng là nguồn thu nhập để kiếm sống hằng ngày. Trước những khó khăn của nghề câu lưới như hiện nay, UBND xã Bình Thạnh đang có kế hoạch vận động bà con tham gia học nghề, chăn nuôi, mua bán nhỏ… để tăng thu nhập và từng bước ổn định cuộc sống gia đình.