Theo Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản Việt Nam (VASEP), trong 5 tháng đầu năm 2014, xuất khẩu (XK) tôm Việt Nam sang thị trường Nhật Bản đạt trên 254 triệu USD, tăng gần 9% so với cùng kỳ năm ngoái.
Trong đó, giá trị XK tôm thẻ chân trắng đạt 128 triệu USD, tăng 45% so với cùng kỳ năm ngoái và chiếm trên 50% tổng giá trị XK tôm; còn XK tôm sú chỉ đạt 80 triệu, giảm 29% và chỉ chiếm chiếm gần 32%.
Dự báo XK tôm sang Nhật Bản trong nửa cuối năm nay sẽ tiếp tục giảm do việc sử dụng kháng sinh OTC từ khâu nuôi chưa có dấu hiệu kiểm soát được.
Trong quý I/2014, XK tôm Việt Nam sang Nhật Bản tăng trưởng mạnh, đưa tôm Việt Nam đứng đầu thị trường Nhật Bản với thị phần chiếm 24%, trong khi Nhật Bản giảm nhập khẩu (NK) tôm Thái Lan 33%, Indonesia 13% và Ấn Độ giảm trên 23%. Tuy nhiên, từ tháng 2/2014, Nhật Bản áp dụng quy định kiểm tra dư lượng Oxytetracycline (OTC) đối với 100% lô tôm NK từ Việt Nam với mức dư lượng Ethoxyquin từ 0,01 ppm tăng lên 0,2 ppm.
Hiện nay, mặc dù tôm Việt Nam vẫn chiếm thị phần lớn nhất tại thị trường Nhật Bản nhưng quy định kiểm tra OTC với 100% lô tôm xuất sang Nhật Bản khiến cho XK tôm không duy trì được tăng trưởng khả quan như quý I/2014. Trong quý II/2014, xuất khẩu tôm tăng trưởng âm gần 15% trong tháng 4 và tiếp tục giảm trên 9% trong tháng 5.
Theo Cục Quản lý Chất lượng Nông lâm sản và Thủy sản (Nafiqad), hiện nay không chỉ Nhật Bản mà các thị trường khác như EU cũng cũng đã cảnh báo OTC trong tôm Việt Nam. Mặc dù Tổng cục Thủy sản, Cục Thú y phối hợp khảo sát thành phần thức ăn tôm, tăng cường phổ biến tập huấn, kiểm tra giám sát vi phạm, tăng cường kiểm soát nguyên liệu đầu vào… nhưng cho đến nay việc sử dụng kháng sinh OTC từ khâu nuôi chưa có dấu hiệu kiểm soát được. Với thực trạng này, dự báo XK tôm sang Nhật Bản trong nửa cuối năm nay sẽ tiếp tục giảm. Và nếu vấn đề dư lượng OTC chưa có giải pháp hữu hiệu, có thể XK tôm sang EU cũng sẽ bị ảnh hưởng.