Xin hỏi, có thể nuôi cá chuối và cá trê cùng một ao không, cách chăm sóc và xử lý nguồn nước như thế nào? (Hữu Ngân, tỉnh Tuyên Quang)
Xem thêm Chuyên mục Hỏi – Đáp Thủy sản (Tạp chí Thủy sản Việt Nam)
Trả lời:
Cá chuối và cá trê đều có cơ quan hô hấp phụ trên đầu nên chịu đựng được ngưỡng ôxy thấp và có thể nuôi được ở mật độ dày. Chúng có phổ thức ăn giống nhau là thức ăn giàu đạm (cá tạp, cám công nghiệp cao đạm); tuy nhiên cá trê ăn tạp hơn cá chuối, ngoài thức ăn giàu đạm chúng có thể sử dụng được các loại thức ăn như mùn bã hữu cơ, bột cám và có sức chống chịu với môi trường tốt hơn cá chuối. Theo đó, có thể nuôi ghép hai loài này, tuy nhiên, chúng là loài cá dữ nên khi đói có thể ăn thịt lẫn nhau, do vậy, cần cho cá ăn đầy đủ. Đồng thời, định kỳ thay nước sạch cho ao (hàng tuần, hàng ngày tùy theo mật độ và giai đoạn nuôi).
Tôm thẻ chân trắng giống chất lượng nên mua ở đâu, cách chọn lựa? (Nguyễn Minh Đang, huyện Phú Tân, tỉnh Cà Mau)
Trả lời:
Hiện nay trên thị trường có rất nhiều công ty sản xuất tôm giống có chất lượng và uy tín như Việt – Úc, C.P., Thông Thuận, Uni-President, Tuấn Hà, Nam Dương, Nam Miền Trung…; các công ty này đều có đại lý phân phối trên toàn quốc.
Để chọn được con giống tốt bạn cần thực hiện tốt các việc sau: Chọn cơ sở sản xuất giống tôm có uy tín; Con giống phải có giấy kiểm dịch của cơ quan chức năng để loại bỏ mầm bệnh đốm trắng, đầu vàng, teo gan tụy; Có thể quan sát bằng mắt thường về các đặc điểm như cỡ giống đồng đều, bơi ngược dòng nước, phản xạ nhanh với tiếng động. Hoặc dùng phương pháp sốc Formol: cho 100 – 200 con tôm vào chậu thau chứa Formol (2 – 2,5 ml/10 lít nước) trong 30 phút. Sau đó, khuấy tròn nước để tôm chết lắng vào giữa chậu. Nếu tỷ lệ tôm chết không quá 10% là đàn tôm tốt. Hay hạ độ mặn đột ngột bằng cách lấy 100 – 200 con tôm post vào chậu nước mặn và cho thêm nước ngọt đúng bằng lượng nước mặn (tức là đã giảm độ mặn xuống một nửa), quan sát sau 2 giờ nếu tỷ lệ tôm chết dưới 5% là đàn tôm tốt.