Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Vũ Văn Tám có buổi làm việc với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Kiên Giang và đại diện các chủ tàu cá để tìm hiểu khó khăn của ngư dân khi xăng dầu tăng giá.
Kiên Giang hiện có hơn 11.990 chiếc tàu đánh cá với tổng công suất hơn 1.469 CV. Kiên Giang cũng là tỉnh có số lượng tàu cũng như công suất khai thác lớn nhất cả nước. Sau khi dầu diesel tăng thêm 6.300 đồng/lít đã kéo theo giá vật tư phục vụ khai thác hải sản cũng tăng theo. Theo tính toán, chi phí cho một chuyến biển đã tăng lên khoảng 40%, trong khi giá sản phẩm khai thác chỉ tăng khoảng 10%. Bên cạnh đó do ngư trường bị thu hẹp khiến sản lượng khai thác giảm nên hiệu quả kinh tế giảm, đặc biệt đối với tàu làm nghề lưới kéo hoạt động khai thác ở vùng biển xa. Hiện nay toàn tỉnh Kiên Giang có khoảng 10% số lượng tàu khai thác hải sản đang nằm bờ để sửa chữa, chờ sản lượng, giá sản phẩm tăng mới sản xuất trở lại.
Tại buổi làm việc, Kiên Giang kiến nghị Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Tổng cục Thủy sản cần tăng cường đàm phán với các nước trong khu vực, nhất là Indonesia, Malaysia để ngư dân có thể khai thác ở vùng biển nước ngoài một cách hợp pháp. Bên cạnh đó, để giảm bớt khó khăn cho ngư dân, đề nghị miễn thuế thu nhập doanh nghiệp và thuế môn bài cho các doanh nghiệp khai thác hải sản và Nhà nước cần có chính sách hỗ trợ chi phí cho tàu khai thác hải sản ở vung biển xa bờ… Thứ trưởng Vũ Văn Tám ghi nhận những kiến nghị của ngư dân và cho biết sẽ xem xét đề xuất với Chính phủ và các bộ ngành liên quan. Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Vũ Văn Tám cho biết: “Chúng tôi đánh giá cao nỗ lực của các ngư dân ở Kiên Giang đã chủ động liên kết sản xuất để tiết giảm chi phí. Bộ đã có kế hoạch đàm phán với các nước như Myanmar, Brunei, Campuchia… đều có thỏa thuận về hợp tác nghề cá; tiếp tục đàm phán với Malaysia và Indonesia… để tạo điều kiện cho ngư dân khai thác hợp pháp".
Bạc Liêu: Chậm gỡ khó cho ngư dân, 50% tàu đánh cá nằm bờ
Khoảng 50% tàu đánh cá của ngư dân Bạc Liêu hiện nằm bờ, do giá các loại vật tư, nguyên nhiên liệu đầu vào tăng mạnh. Cho nên, dù hết sức cố gắng bám ngư trường, nhưng sản lượng tôm biển khai thác được của trên 1.000 phương tiện đánh bắt hiện có của Bạc Liêu trong quí I/2011 cũng chỉ bằng 58% sản lượng so với cùng kỳ năm 2010, trong khi đó con tôm chiếm hơn 50% giá trị của một chuyến đi biển của từng phương tiện. Giá bán nguyên liệu tôm, cá tuy cũng tăng, nhưng không đáng kể so với giá nhiên liệu vật tư đã tăng, cho nên nếu khi thác sản lượng đạt thấp sẽ không bù nổi chi phí cho một chuyến đi biển, lỗ vài chục triệu đồng là chuyện rất dễ xảy ra cho một chuyến ra khơi đối với loại tàu có công suất trên 45 CV khai thác từ 15 đến 20 ngày trên biển.
Nếu để tàu cá tiếp tục nằm bờ, ngư lưới cụ, tàu cá sẽ dễ hư hỏng do phơi nắng, lãng phí tiền của công sức của người dân và sẽ phát sinh các vấn đề phức tạp về an sinh xã hội không đáng có từ hàng ngàn lao động trẻ không có việc làm. Cùng chung tay gỡ khó với ngư dân là việc cần làm ngay ở Bạc Liêu hiện nay.
LÊ SEN – CAO THĂNG
Theo Báo Cần Thơ
|