Theo báo cáo của Sở NN&PTNT Quảng Ninh, thời điểm đầu năm 2014, trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh có 175 HTX dịch vụ nông, lâm, ngư nghiệp, trong đó có 7 HTX hoạt động trong lĩnh vực nuôi trồng thuỷ sản.
Trong 7 HTX này thì chỉ có 4 HTX duy trì hoạt động là HTX Dịch vụ nông – lâm – ngư nghiệp Hải Yến, HTX Dịch vụ, nuôi trồng thuỷ sản (NTTS) Đức Thịnh, HTX NTTS Vân Hải, HTX Nông nghiệp và thuỷ sản Phương Nam, còn lại 3 HTX đã ngừng hoạt động từ lâu nhưng chưa giải thể.
Dù số lượng HTX hoạt động trong lĩnh vực thủy sản ít thế nhưng phải khẳng định các HTX này cơ bản đã khai thác và phát huy tốt thế mạnh, tiềm năng của tỉnh, một địa phương có ưu thế về biển. Điển hình như HTX Dịch vụ, NTTS Đức Thịnh. Ông Tô Phúc Thịnh, Chủ nhiệm HTX cho biết: Trước đây người dân khu vực cửa sông Cái Mắm, huyện Đầm Hà chủ yếu làm nghề khai thác chứ chưa nuôi trồng thuỷ sản. Nếu việc này kéo dài sẽ gây ảnh hưởng rất lớn đến nguồn lợi tài nguyên biển, có khai thác nhưng không có nuôi trồng. Chính vì thế, sau thời gian nghiên cứu chúng tôi đã NTTS, phát huy thế mạnh địa phương.
Bè nuôi trồng thuỷ sản của xã viên HTX Dịch vụ, nuôi trồng thủy sản Đức Thịnh (Đầm Hà).
Ban đầu, ông Thịnh đã đầu tư hơn 60 triệu đồng làm 6 ô lồng, bè để nuôi thử nghiệm các loại cá nước mặn, mỗi ô khoảng từ 400 – 500 con, kết quả bước đầu thu được rất khả quan. Thấy được hiệu quả từ mô hình nuôi cá lồng bè của gia đình ông Thịnh, nhiều người dân trên địa bàn huyện đã ra vùng cửa sông Cái Mắm, Thoi Dây làm ăn, sinh sống… Đến nay đã có gần 20 hộ gia đình, với hơn 300 ô lồng, bè nuôi chủ yếu là các loại cá nước mặn, như: Cá song chấm, cá song hoa, cá vược, cá hồng đỏ, cá sủ sao…
Với sự “sinh sôi nảy nở” của các hộ gia đình NTTS, ông Thịnh đã cùng 8 hộ gia đình khác đứng ra thành lập HTX Dịch vụ, NTTS Đức Thịnh. Đồng thời, HTX đã phối hợp với Phòng NN&PTNT huyện Đầm Hà lập hồ sơ triển khai dự án chứng nhận vùng nuôi thủy sản an toàn trên diện tích 300ha với tổng kinh phí thực hiện là 450 triệu đồng và công nhận nhãn hiệu sản phẩm cho vùng NTTS thuộc khu vực Cái Mắm – Thoi Dây. Đây là cơ hội cho HTX để từng bước phát triển nghề NTTS theo hướng tập trung.
Tương tự, HTX NTTS Vân Hải, Vân Đồn đã thành công với quy mô nuôi cá theo hình thức lồng bè. Theo ông Nguyễn Văn Thìn, Chủ nhiệm HTX NTTS Vân Hải, ở Vân Đồn khi người dân nơi đây tập trung chủ yếu vào nuôi nhuyễn thể như tu hài, hàu, ít quan tâm đến lĩnh vực nuôi cá lồng bè thì riêng HTX chủ yếu tập trung vào các đối tượng nuôi có giá trị kinh tế cao là cá song, cá giò, cá hồng đỏ, cá nọi… Song song với nuôi trồng, HTX đã tổ chức tập huấn kỹ thuật chọn tạo con giống, thả nuôi, vệ sinh ô lồng và cách phòng chống dịch bệnh cho xã viên nên nhiều năm qua không xảy ra dịch bệnh trên đàn cá nuôi, góp phần không nhỏ vào nâng cao thu nhập cũng như đời sống cho các xã viên. Và khi rất nhiều hộ nuôi trồng nhuyễn thể bị trắng tay vì dịch bệnh thì các xã viên của ông lại thắng lớn. Hàng năm HTX đã cung ứng cho thị trường 6 tấn cá song và hàng chục tấn cá khác. Tổng doanh thu bình quân đạt hơn 6 tỷ đồng/năm.
Ông Nguyễn Văn Nghi, Chủ tịch Liên minh HTX-DNNQD tỉnh khẳng định, về cơ bản, các HTX thủy sản đã phát huy được thế mạnh của địa phương, góp phần ổn định việc tiêu thụ sản phẩm, tăng thu nhập cho người nuôi; đồng thời giảm áp lực khai thác nguồn lợi tự nhiên, bảo vệ môi trường. Kết quả trên có được một phần phải khẳng định tỉnh đã có những chính sách hỗ trợ, khuyến khích thành lập mới, bồi dưỡng, đào tạo cán bộ hợp tác xã, tổ hợp tác; chính sách đất đai, chính sách tín dụng, tuyên truyền về kinh tế hợp tác và các hỗ trợ khác… Tuy nhiên, các HTX hoạt động trong lĩnh vực NTTS còn gặp nhiều khó khăn trong việc tiêu thụ sản phẩm của HTX, vẫn tự tìm đầu ra cho sản phẩm.
Ông Nguyễn Văn Thìn, Chủ nhiệm HTX NTTS Vân Hải chia sẻ: Hiện chúng tôi mới nuôi trồng, thế nhưng về đầu ra cho sản phẩm đôi lúc vẫn loay hoay. Vì thế, để nghề NTTS nói chung, nuôi cá lồng bè nói riêng phát triển, các cấp chính quyền cần quan tâm hơn nữa trong việc tìm đầu ra ổn định cho sản phẩm, đặc biệt là các loài cá giúp chúng tôi yên tâm sản xuất.
Bên cạnh đó, việc NTTS vẫn còn gặp nhiều rủi ro về dịch bệnh, do yếu tố môi trường, thời tiết và thiếu áp dụng khoa học kỹ thuật. Tình trạng thiếu vốn lưu động để hoạt động dịch vụ của các HTX còn diễn ra. Một số chính sách khuyến khích phát triển kinh tế hợp tác của tỉnh còn thiếu, của Trung ương ban hành chưa đồng bộ, kịp thời. Các tổ hợp tác có quy mô nhỏ, năng lực tài chính yếu, trình độ cán bộ quản lý, trình độ lao động yếu, chưa qua đào tạo bồi dưỡng, chủ yếu là qua kinh nghiệm; không vay vốn được ngân hàng vì không có tài sản thế chấp như giấy chứng nhận quyền sử dụng đất…
Vì thế, để các HTX thủy sản phát triển bền vững, Liên minh HTX-DNNQD tỉnh, các sở, ngành, địa phương cần phối hợp chặt chẽ trong công tác đào tạo kỹ thuật nuôi trồng cho các cán bộ, xã viên các HTX. Nhà nước cần ban hành các chính sách ưu đãi hỗ trợ về đầu tư, lao động, vốn, tín dụng, đất đai cho các thành phần kinh tế hợp tác sát với thực tế HTX nói chung; hỗ trợ thành phần kinh tế này tham gia hoạt động xúc tiến đầu tư thương mại, cung cấp thông tin, tìm kiếm thị trường…
Tin rằng, với việc triển khai đồng bộ các giải pháp sẽ góp phần giúp cho các HTX phát triển bền vững, tạo ra được sự chuyển biến cơ bản về vai trò, tác dụng, hiệu quả hoạt động của các HTX thủy sản so với thực tế; nâng cao số lượng, chất lượng các HTX trong lĩnh vực thủy sản để tương xứng với tiềm năng, thế mạnh của tỉnh.