Những tháng đầu năm 2014, mặc dù gặp nhiều khó khăn song ngành NN và PTNT và các địa phương ven biển tiếp tục nâng cao năng lực khai thác thủy sản, đổi mới tổ chức sản xuất trên biển, tích cực thực hiện tái cơ cấu ngành nghề tạo việc làm, tăng thu nhập cho ngư dân, góp phần bảo đảm quốc phòng, an ninh và khẳng định chủ quyền biển, đảo của Tổ quốc.
Hiện toàn tỉnh có 1.942 tàu cá, với tổng công suất 97.198 CV; trong đó số tàu có công suất trên 90CV có 335 chiếc, 94 tàu từ 50 – 90 CV, 202 tàu 20 – 50 CV, 1.311 tàu dưới 20 CV. Nghề khai thác thủy sản tiếp tục phát triển, tạo việc làm cho gần 12 nghìn lao động địa phương.
Trong 6 tháng đầu năm, giá các loại vật tư phục vụ sản xuất ngày càng tăng, trong khi giá bán sản phẩm tăng ít dẫn đến thu nhập của chủ tàu và người lao động giảm… Trước tình hình trên, thực hiện sự chỉ đạo của Bộ NN và PTNT, UBND tỉnh, Sở NN và PTNT phối hợp với Bộ Chỉ huy BĐBP tỉnh, UBND các huyện ven biển tăng cường quản lý hoạt động nghề cá trên biển, tổ chức tuyên truyền, vận động, củng cố các đoàn, tổ đội khai thác thủy sản. Hiện nay, toàn tỉnh thành lập được 41 đoàn, tổ, đội khai thác thủy sản với 1.185 tàu và 3.187 lao động, chiếm 61,24% tổng số tàu; trong đó huyện Giao Thủy có 28 tổ đội, huyện Hải Hậu 10 tổ đội, huyện Nghĩa Hưng 2 tổ đội và huyện Trực Ninh 1 tổ đội. Ngư trường hoạt động của các tàu cá trong tỉnh chủ yếu là ở Vịnh Bắc Bộ. Các tàu có công suất trên 90 CV khai thác tại tuyến khơi, thường ở các ngư trường Bạch Long Vĩ, Hòn Mê – Hòn Mắt, một số tàu đã di chuyển ngư trường khai thác ở vùng biển Nha Trang, Vũng Tàu. Sở NN và PTNT đã tăng cường hướng dẫn ngư dân tham gia vùng đánh cá chung Vịnh Bắc Bộ thực hiện đúng các quy định pháp luật, đồng thời phát hiện cung cấp thông tin về việc tàu cá Trung Quốc vi phạm vùng biển Việt Nam cho cơ quan chức năng. Bên cạnh đó, Sở NN và PTNT chỉ đạo các Trạm Kiểm ngư cập nhật tần số liên lạc, số điện thoại của các tàu cá, nhất là tàu có công suất máy trên 90 CV phục vụ công tác thông tin, gọi tàu khi có bão, áp thấp nhiệt đới và thiên tai xảy ra.
Tàu, thuyền tại Cảng cá Thịnh Long (Hải Hậu) chuẩn bị ra khơi.
Kỹ thuật khai thác từng bước được nâng cao, việc cải tiến, gia công lưới rê hỗn hợp 3 lớp đã góp phần nâng cao hiệu quả trong khai thác thủy sản. Mô hình tổ chức sản xuất kiêm nghề, tăng thời gian bám biển, giảm thời gian đi về tiếp tục được ngư dân phát huy và nhân rộng đã góp phần nâng cao sản lượng cũng như hiệu quả khai thác. Đặc biệt Đề án thí điểm hiện đại hóa đội tàu đánh bắt thủy sản của Chính phủ đã phát huy hiệu quả. Sau khi tiếp nhận tàu đánh cá lưới rê vỏ thép chỉ trong 4 chuyến ra khơi, anh Phạm Văn Tuyên, xã Hải Chính (Hải Hậu) đã thu được 800 triệu đồng. Trừ 150 triệu đồng chi phí (giảm một nửa so với đánh bắt bằng tàu gỗ), anh lãi 650 triệu đồng từ khai thác hải sản. Anh Tuyên cho biết: “Từ khi có tàu vỏ thép, khi đánh bắt xa bờ chúng tôi ra biển thấy an toàn, tự tin bám biển dài ngày hơn so với khi dùng tàu gỗ. Tàu vỏ thép bước đầu khẳng định được tính hiệu quả, lượng cá đánh được nhiều hơn, điều kiện bảo quản cá tốt hơn”. Trong chuyến ra khơi đầu tiên, tàu đánh cá vỏ thép của anh Tuyên đã gặp thời tiết không thuận, nhưng với kết cấu tàu vững chắc, chịu va đập và các khoang thiết kế riêng biệt nên ngư dân cảm thấy an toàn hơn. Đây là động lực để ngư dân từng bước thay thế tàu đánh cá vỏ gỗ, góp phần hiện đại hoá phương tiện khai thác nguồn lợi thuỷ sản xa bờ, mở rộng ngư trường và tham gia bảo vệ chủ quyền biển, đảo của Tổ quốc.
6 tháng đầu năm 2014, sản lượng khai thác thủy, hải sản của toàn tỉnh ước đạt 21.658 tấn; trong đó, huyện Giao Thuỷ 5.844 tấn, Hải Hậu 9.352 tấn, Nghĩa Hưng 5.360 tấn, Trực Ninh 438 tấn, khai thác nội đồng đạt 564 tấn, bằng 52,19% kế hoạch và bằng 104,07% so với cùng kỳ năm 2013. Khai thác mặn lợ đạt 20.643 tấn, khai thác nội địa đạt 1.015 tấn, trong đó sản lượng cá 14.608 tấn, tôm 1.521 tấn, các loại thủy sản khác 5.529 tấn. Điển hình là tổ hợp tác nghề lưới rê kết hợp chụp mực của các xã Hải Lý, Hải Chính, Hải Triều (Hải Hậu) có nhiều tàu thu lãi từ 150 – 200 triệu đồng/chuyến. Nghề lưới kéo đôi của xã Giao Phong, Thị trấn Quất Lâm (Giao Thủy) cũng cho thu nhập ổn định từ 8 – 15 triệu đồng/người/tháng. Ông Phan Văn Tấn, ngư dân của đoàn rê khơi xã Hải Triều cho biết: Tàu khai thác của gia đình ông có công suất 330 CV chuyên hoạt động ở ngư trường tại các vùng biển từ Cô Tô đến Cửa Hội. Do tàu có công suất lớn, các lao động trên thuyền đã có nhiều kinh nghiệm nên mỗi đợt khai thác kéo dài trên chục ngày, do đó sản lượng khai thác cũng tăng cao hơn. Nhờ sự hỗ trợ nhau trên biển, thông báo tình hình ngư trường kịp thời từ đoàn rê khơi nên từ đầu năm đến nay, mỗi lao động trên tàu của ông thu nhập 100 triệu đồng/người.
Để nâng cao năng lực khai thác thủy sản, tổ chức tốt sản xuất trên biển, thời gian tới, Sở NN và PTNT tiếp tục tăng cường công tác tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng, đồng thời kết hợp với UBND các huyện, các xã, thị trấn ven biển, các ban, ngành liên quan tăng cường công tác quản lý đăng ký, đăng kiểm, chú trọng kiểm tra an toàn kỹ thuật tàu cá, đảm bảo an toàn cho người và tàu cá, hoạt động trên các vùng biển. Ngăn chặn, giảm thiểu và loại bỏ tình trạng khai thác bất hợp pháp, không báo cáo, không theo quy định. Quản lý chặt chẽ các cơ sở đóng mới tàu cá, nhất là các cơ sở đóng tàu công suất nhỏ dưới 30 CV, khuyến khích ngư dân đóng tàu khai thác thủy sản xa bờ theo định hướng phát triển của ngành NN và PTNT. Tăng cường công tác dự báo ngư trường khai thác thủy, hải sản, phổ biến và nhân rộng những mô hình sản xuất có hiệu quả, hướng dẫn ngư dân áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất. Xây dựng và phát triển các mô hình quản lý có sự tham gia của cộng đồng trong hoạt động khai thác thủy sản tại vùng biển ven bờ. Xây dựng và hoàn thiện hệ thống thông tin liên lạc giữa tàu cá và bờ, giữa bờ và tàu cá để đảm bảo nắm vững được tình hình hoạt động của đội tàu cá của địa phương trên các ngư trường phục vụ công tác PCLB-TKCN. Năm 2014, toàn tỉnh phấn đấu đạt tổng sản lượng khai thác thủy, hải sản 41.500 tấn.