T2, 06/07/2020 11:05

Khánh Hòa: Mưu sinh bằng nghề vá lưới

Chưa có đánh giá về bài viết

Từ bao đời gắn bó với biển, ngư dân đã quá quen thuộc với công việc vá lưới. Nhà có ghe đi biển, sau mỗi chuyến ra khơi trở về bến, không kể già trẻ, gái trai hễ ai rảnh việc là khẩn trương vá lưới, chuẩn bị cho những chuyến biển tiếp theo. Nghề vá lưới vì thế cũng trở thành nghề truyền thống của người dân xứ biển.

Từ bao đời nay, ngư phủ luôn ra biển đánh bắt tôm cá với những tấm lưới nguyên lành. Lúc thu lưới về thường gặp tình trạng lưới bị rách do vướng phải gai hay sợi chỉ đã bị mục, nhất là khi gặp những vật cản như chà rào, đá ngầm, san hô hoặc vật gì cứng thì lưới sẽ dễ bị rách. Kinh nghiệm cho thấy lưới rách đến đâu phải vá đến đó, nếu để lâu miếng rách sẽ rách thêm cá lọt ra ngoài và chiếc lưới sẽ trở nên vô dụng. Vì thế ngư dân phải kiểm tra lưới hằng ngày, để lưới luôn đảm bảo tốt, sẵn sàng dùng được bất cứ lúc nào. 

Ảnh: Nguyên Kông

Người dân sống ven biển không nhớ rõ nghề vá lưới được hình thành từ khi nào, chỉ biết rằng nó đã xuất hiện từ rất lâu. Không ít gia đình có hai đến 3 thế hệ theo nghề này. Một số ngư dân sống bằng nghề vá lưới thuê cho biết, so với những nghề như đánh cá, sảy cá thì vá lưới nhàn hơn nhiều, thu nhập lại cao. Công việc này hút người, nhất là vào tháng 5, tháng 6 và tháng 7. Đây là thời gian tàu thuyền vào mùa khai thác. Sau những chuyến biển, tàu thuyền cập bến, tân trang lại tàu, sửa chữa lại ngư cụ và chủ ghe cần vá lưới gấp để chuẩn bị cho những chuyến ra khơi. Vá lưới biển trong thời gian này có thu nhập tương đối khá, trung bình mỗi người một tháng thu nhập hơn 2 triệu đồng. Bắt đầu làm từ 7h sáng cho đến cuối giờ chiều, chủ tàu bao luôn tiền ăn trưa nên người làm nghề có thu nhập. 

Khi tiếp xúc và tìm hiểu, những người làm nghề vá lưới lâu năm cho biết, nghề này mới nhìn vào tưởng khó, chứ thật ra rất dễ, chỉ học vài ngày sẽ biết làm ngay. Những ai mới bắt tay vào làm thường không biết bắt đầu từ đâu, nhưng khi quen việc rồi thì nhìn sơ qua người vá lưới đã biết phải chọn loại chỉ nào cho phù hợp với giàn lưới và sẽ bắt đầu như thế nào. Nghề dễ học dễ làm nhưng muốn trở thành người giỏi trong nghề, để được chủ ghe gọi thường xuyên thì người vá lưới phải tinh mắt, tìm ra những lỗ rách dù là nhỏ nhất. Do đó, người vá phải tỉ mỉ, sắc sảo trong từng mũi vá. Nghề này chẳng có trường lớp nào dạy, chủ yếu là người biết hướng dẫn cho người chưa biết, nghề dạy nghề. Thuận lợi là công việc nhẹ nhàng và người lao động có thể tận dụng thời gian nhàn rỗi, kể cả lúc thời tiết mưa hay nắng.

Nghề vá lưới phụ thuộc rất nhiều vào sự thăng trầm của nghề đánh bắt hải sản, do vậy người dân làm nghề ai cũng mong sóng yên biển lặng, để ngư dân có cuộc sống ổn định. Tin vui là nghề khai thác đánh bắt hải sản của Khánh Hòa tuy có những khó khăn nhưng vẫn phát triển, ngư dân vẫn ngày ngày vươn khơi đánh bắt xa bờ. Điều đó đồng nghĩa với nhu cầu vá lưới ngày càng tăng nên phần lớn gia đình nghèo làm nghề vá lưới có điều kiện sinh sống bằng nghề này.

Minh Khiêm

Đài PTTH Khánh Hòa

Bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Hãy là người đầu tiên bình luận trong bài
error: Content is protected !!