Nhiều năm gần đây, nhiều hộ nuôi cá rô đầu vuông ở Hậu Giang bị thua lỗ nặng, phần thì “treo ao”, lấp ao, còn vài hộ chỉ nuôi cầm chừng. Lý do là cá không có đầu ra ổn định, trong khi vốn đầu tư quá cao.
Điêu đứng vì cá
Vị Thủy là huyện nuôi cá rô đầu vuông đứng nhất nhì tỉnh Hậu Giang. Được coi là “thủ phủ” và nơi bắt nguồn cho việc phát triển loài thủy sản này nhưng không khí ở đây khá tiêu điều, do hầu hết các hộ nuôi cá rô đầu vuông không còn mặn mà để đầu tư vì quá nhiều rủi ro.
Vài năm trước đây, cá rô đầu vuông được xem là loại thủy sản tiềm năng của ĐBSCL nói chung và Hậu Giang nói riêng; Nhưng nhiều năm gần đây, nhiều hộ nuôi cá rô đầu vuông ở Hậu Giang lâm vào tình trạng thua lỗ nặng, phần thì “treo” ao, lấp ao, còn vài hộ chỉ nuôi cầm chừng. Chị Lê Thị Hân, ở ấp 1, xã Vĩnh Thuận Tây (huyện Vị Thủy) là một trong những hộ nuôi có diện tích lớn ở tỉnh cho biết: “Tôi nuôi cá đã gần chục năm, mỗi năm thu hoạch gần 100 tấn cá trên diện tích 10.000 m2, nhưng 2 năm trở lại đây, vì thua lỗ nên từ 8 ao nuôi giảm chỉ còn 2 ao với sản lượng khoảng 30 tấn cá”.
Gắn bó với nghề nuôi cá rô đầu vuông gần 10 năm, nhưng không riêng gì chị Hân mà một số hộ nuôi khác vẫn e dè trong việc đầu tư phát triển như thời “vàng son”. Hiện nay diện tích ao nuôi của chị Hân một phần chuyển sang nuôi cá trê, chạch, phần thì bỏ trống chứ không đầu tư dàn trải để nuôi cá rô đầu vuông, vì càng nuôi càng lỗ.
Bây giờ về các huyện Vị Thủy, Phụng Hiệp, Châu Thành A… hỏi về chuyện nuôi cá đầu vuông thì ai cũng bảo: “Nơi đây chẳng còn mấy hộ nuôi đâu, mọi người mạnh ai nấy lấp ao để trồng lúa, còn ai không tiền thì vẫn để ao trống chứ không còn vốn để đầu tư cho loài nuôi khác”. Nghe nói thì nhẩm đếm hộ nuôi cá chẳng đầy đầu ngón tay và với họ nuôi cá rô đầu vuông chẳng khác nào nuôi cá tra, vì nuôi là lỗ.
Nhiều nông dân nuôi cá rô đầu vuông ở Hậu Giang lâm cảnh nợ nần – Ảnh: Bảo Yến
Để thấy được những khó khăn của nông dân trong việc nuôi cá rô đầu vuông, chị Hân so sánh: “Năm đầu tiên (2005) nuôi cá rô đầu vuông, chi phí đầu tư cho 1 kg cá thương phẩm khoảng 8.000 đồng/kg mà khi thu hoạch bán 27.000 đồng/kg, nhưng hiện nay chi phí đầu tư cho 1 kg cá thịt phải 21.000 – 25.000 đồng mà thu hoạch bán chỉ 16.000 đồng (loại 10 con/kg); 21.000 đồng/kg (loại 4 con)”. Chuyển toàn bộ diện tích canh tác lúa sang đào ao nuôi cá nên nguồn thu nhập chính phụ thuộc vào 2 vụ cá nuôi/năm nhưng bây giờ ăn ngủ không yên. Chị Hân buồn bã: “Hậu Giang có rất nhiều hộ nuôi cá nhưng toàn tỉnh chỉ có 2 thương lái mua. Họ mua “ép” giá và đứng ở mức thấp nhưng người nuôi vẫn phải bán, vì không bán sẽ tốn thêm chi phí thức ăn, lãi ngân hàng và chẳng lẽ đem ra chợ bán từng con”.
Ông Nguyễn Thanh Tùng, ở ấp 8, xã Hòa An (huyện Phụng Hiệp) cũng méo mặt vì cá nuôi ngày càng lớn, ăn ngày càng nhiều mà giá cứ ngày càng giảm. Ông Tùng nói: “Nuôi cá rô đầu vuông cách nay đã 3 năm nhưng năm nay giá cá rớt quá thấp nên đa phần người nuôi đều lỗ hoặc hòa vốn”. Ao cá 2.500 m2 của ông Tùng thu hoạch sản lượng 40 tấn, bán với giá 25.000 đồng/kg (loại 4 con/kg), lãi gần 30 triệu đồng mà phải bỏ vốn đầu tư tiền tỷ. Để cá đạt trọng lượng 4 con/kg phải mất 5 – 6 tháng nuôi và phải chịu rủi ro rất lớn vì giá thức ăn tăng liên tục, dịch bệnh…
Đại lý thức ăn không mặn mà
Những năm trước, đầu tư cho phát triển cá rô đầu vuông là chuyện không khó; nhưng bây giờ là vấn đề sống còn.
Một chủ cửa hàng kinh doanh thức ăn thủy sản ở Vị Thủy cho biết: Trước đây, công ty có bán gối đầu cho đại lý và đại lý bán gối đầu lại cho nông dân đến cuối vụ nuôi; nhưng bây giờ công ty đã không còn làm như thế nên đại lý gặp khó, dẫn đến không bán gối đầu cho nông dân nhiều như trước. Người nuôi cá thua lỗ là đương nhiên, vì giá cá cứ giảm mà giá thức ăn cứ tăng 4 – 5 lần/năm; thấp nhất 200 đồng/lần, cao nhất 300 đồng/lần. “Trước đây Vị Thủy có 6 đại lý đầu tư kinh doanh, nay chỉ còn 2 và chắc qua vụ thu hoạch này tôi cũng rút luôn chứ đầu tư mà không hoàn được vốn thì chịu sao thấu”, chủ cửa hàng cho hay.
Để duy trì hoạt động kinh doanh và đáp ứng đủ số lượng thức ăn cung cấp cho hộ nuôi cá, mỗi tháng, chủ cửa hàng ở Vị Thủy phải đóng lãi 70 triệu đồng từ số tiền vay 7 tỷ đồng của ngân hàng và đa phần không thu hồi được vốn vì trên 80% hộ nuôi thua lỗ. Bình quân mỗi tháng cửa hàng xuất bán 500 – 600 tấn thức ăn, nhưng nay giảm còn 200 tấn và đến tháng tám này sẽ chỉ còn khoảng 100 tấn.
Chủ cửa hàng than thở: “Đến nay, còn rất nhiều hộ chưa trả được vốn mà số tiền hộ ít nhất cũng trên 100 triệu, nhiều nhất trên tỷ đồng. Đến đòi thì nông dân không có tiền trả cứ kêu đầu tư để họ nuôi tiếp và sẽ trả hết, nhưng càng đầu tư càng âm vốn”.
>> Ông Lê Văn Lời, thương lái mua cá rô đầu vuông ở Hậu Giang: Cá rô đầu vuông chủ yếu chỉ tiêu thụ trong nước nên giá trị không cao, đầu ra không ổn định; tìm thị trường xuất khẩu loài cá này thì chưa nghe ai nói. Vì vậy, để cá rô đầu vuông tồn tại và ổn định lâu dài, cần có sự hỗ trợ từ Nhà nước và ngành nông nghiệp. |