Nghị định 67/2014/NĐ-CP về một số chính sách hỗ trợ cho ngành thủy sản được kết tinh từ những thành công và cả những bài học kinh nghiệm từ nhiều chính sách hỗ trợ cho thủy sản. Nghị định này được kỳ vọng sẽ làm thay đổi cơ bản ngành thủy sản Việt Nam. Thủy sản Việt Nam đã có cuộc trao đổi với ông Trần Cao Mưu, Tổng thư ký Hội Nghề cá Việt Nam (ảnh).
Cách đây 17 năm, Chính phủ đã triển khai gói tín dụng hỗ trợ cho ngư dân vay vốn phát triển đội tàu đánh bắt xa bờ. Ông có thể đánh giá những thành công và đôi điều còn trăn trở từ dự án đó?
Năm 1997, Nhà nước có chương trình đầu tư cho ngư dân đánh bắt xa bờ (ĐBXB). Đây là lần đầu tiên Nhà nước có chính sách ưu đãi lớn và triển khai trên khắp các địa phương ven biển. Thành công nhất của chương trình này là thông qua gói hỗ trợ 1.250 tỷ đồng, ngư dân đã đầu tư thêm 3.000 tỷ đồng đóng mới được đội tàu trên 5.000 chiếc, công suất từ 90 CV trở lên, xây dựng thành công đội tàu ĐBXB. Tạo bước đột phá sản lượng vùng khơi trong giai đoạn sau. Ngư dân đã thay đổi tập quán khai thác; khai thác xa bờ, dài ngày; Đào tạo được đội ngũ thuyền trưởng, máy trưởng dày dạn kinh nghiệm; Ngư dân ngày càng ý thức hơn về khai thác thủy sản gắn với bảo vệ nguồn lợi và chủ quyền biển đảo.
Bên cạnh những thành tựu đã đạt được, Chương trình đầu tư ĐBXB này vẫn còn những hạn chế nhất định như: Ngân hàng không thu hồi được vốn vay; hiệu quả sản xuất của ngư dân chưa được như mong muốn. Mặt khác, Chương trình này mới chỉ đầu tư đóng tàu từ 90 CV trở lên; ngư dân vẫn phải tự bỏ vốn lưu động phần lớn vay qua nậu vựa với lãi suất cao; thiếu sự đầu tư đồng bộ trong sản xuất. Nhất là khâu dịch vụ hậu cần, cảng cá, bến cá, khu neo đậu; công tác đào tạo nhân lực nghề cá… chưa thực sự được quan tâm đúng mức.
Bên cạnh đầu tư cho đội tàu ĐBXB, chúng ta đã đầu tư xây dựng hàng loạt cảng cá tại một số vùng khai thác thủy sản trọng điểm: Hải Phòng, Nghệ An, Hà Tĩnh, Đà Nẵng, Sóc Trăng, Kiên Giang…, tuy nhiên năng lực hoạt động của các cảng này chưa đáp ứng được nhu cầu sản xuất. Chuỗi sản xuất từ thu mua, chế biến, tiêu thụ sản phẩm chưa đồng bộ, hiệu quả; sản phẩm sau thu hoạch còn bị thất thoát nhiều…
Ông đánh giá như thế nào về Nghị định 67 của Chính phủ?
Ngày 7/7/2014, Chính phủ đã ban hành Nghị định 67 về một số chính sách phát triển thủy sản, có hiệu lực từ 25/8/2014. Đây là sự đúc rút kinh nghiệm, tổng hợp các quyết định, cơ chế, chính sách từ trước đến nay. Được đánh giá là đã tập hợp đầy đủ, hoàn thiện nhất không chỉ cho ngư dân vay đóng tàu vỏ sắt, tàu gỗ công suất lớn, cải hoán và sửa chữa tàu cũ; mà còn đầu tư xây dựng các cảng biển, khu khai thác thủy sản trọng điểm. Dành một phần tín dụng của ngân hàng để cho ngư dân vay làm vốn lưu động với lãi suất thấp: Hàng năm cho vay để mua bảo hiểm thân tàu (70%), bảo hiểm thuyền viên (100%) và các chính sách về đóng tàu hậu cần dịch vụ, xây dựng cảng cá, bến cá; thực hiện điều tra nguồn lợi, đào tạo lao động, hỗ trợ rủi ro…
Nghị định 67 đã thể hiện sự đầy đủ, hoàn chỉnh, là cú hích giúp ngành thủy sản phát triển, giúp nghề cá Việt Nam trở thành nghề cá nhân dân hiện đại trong tương lai gần.
Năm 1999 nhờ có chính sách của Nhà nước, ngư dân xây dựng thành công đội tàu ĐBXB – Ảnh: Xuân Trường
Theo ông, mục tiêu chính của Nghị định 67 là gì? Và để chính sách đi vào thực tế, những điều kiện cần và đủ là gì?
Việc lựa chọn một trong các hình thức đầu tư nào: Đóng mới, cải hoán, thay thế do ngư dân quyết định bởi ngư dân là người trực tiếp sử dụng tàu để khai thác thủy sản và hơn ai hết họ hiểu rõ nhu cầu khai thác, loại hình, loại tàu phù hợp với mình, không thể áp đặt theo các mẫu tàu có sẵn.
Mục tiêu chính của Nghị định 67 là hướng tới đầu tư nâng cấp, từng bước hiện đại hóa đội tàu khai thác có hiệu quả, chứ không phải chạy theo số lượng và loại hình nào. Đồng thời, khi ngư dân làm chủ được nguồn vốn vay, họ sẽ làm chủ và phát huy được hiệu quả khai thác, từ đó, trả được nợ cho ngân hàng và tạo thu nhập cho chính mình.
Để chính sách đi vào thực tế, nên đầu tư tập trung vào những người có kinh nghiệm, trình độ kỹ thuật khai thác thủy sản, có năng lực quản lý điều hành trong sản xuất, có khả năng tài chính, không nên đầu tư tràn lan.
Bên cạnh đó, để nâng cao hiệu quả của các tàu khai thác xa bờ công suất lớn thì công tác tổ chức sản xuất cũng phải được nâng tầm tương xứng (phải có hệ thống các tàu dịch vụ hậu cần, trình độ kỹ thuật của thuyền trưởng, máy trưởng, thủy thủ phải được nâng cao…).
Việc xử lý các tàu vỏ gỗ loại nhỏ cần có lộ trình và bước đi phù hợp. Ngư dân không nên bỏ hẳn tàu vỏ gỗ mà cần nâng cấp vỏ tàu, trang bị máy mới, phù hợp với điều kiện mới.
Lực lượng đóng tàu vỏ gỗ cần phải làm gì trong điều kiện hiện nay để duy trì được nghề truyền thống, thưa ông?
Hiện, cả nước có nhiều xưởng đóng tàu vỏ gỗ đã tồn tại hàng trăm năm nay, như làng nghề đóng tàu Nghi Thiết, Hải Châu (Nghệ An), Thọ Quang (Đà Nẵng)… Đây là những cơ sở đóng, sửa chữa tàu, thuyền cho các địa phương bằng kinh nghiệm truyền thống, do đó, cơ sở vật chất còn hạn chế, thiếu đồng bộ. Để nâng cao tay nghề, tham gia đóng nhiều loại mẫu tàu, loại tàu khác nhau…, cần phải có sự đầu tư, đào tạo lại, chuyển giao kỹ thuật, công nghệ, cho người lao động, cũng như trang thiết bị mới cho các cơ sở… đủ sức tham gia đóng tàu cho Chương trình dự án theo Nghị định 67.
Việc cần thiết là phải đầu tư đồng bộ, hiệu quả toàn bộ chuỗi sản xuất từ khai thác, thu mua, chế biến đến tiêu thụ sản phẩm. Giảm thiểu tổn thất sau thu hoạch 25 – 30% như hiện nay xuống còn dưới 10%. Có như vậy, các đội tàu mới phát huy được tác dụng và hiệu quả trong khai thác. Ngư dân mới thực sự được hưởng lợi từ thành quả lao động của mình. Và về lâu dài, ngư dân sẽ tự chủ được sản xuất, đầu tư những đội tàu mạnh, khai thác hiệu quả hơn.
Trân trọng cảm ơn ông!