Nuôi cá kèo thoát nghèo

Chưa có đánh giá về bài viết

Mô hình nuôi cá kèo của nông dân huyện Đầm Dơi không những giúp xóa đói giảm nghèo mà còn đẩy lùi thế độc canh con tôm.

Mô hình cần nhân rộng

Ông Mã Huy, Phó Giám đốc Trung tâm Khuyến nông – Khuyến ngư Cà Mau cho biết: Mấy năm nay, mô hình nuôi cá kèo đã mở thêm hướng đi cho người dân huyện Đầm Dơi trong việc đa dạng hóa cây trồng, vật nuôi, tăng năng suất, sản lượng trên cùng diện tích.

Điển hình cho mô hình này là ông Nguyễn Văn Phong (ấp Tân Phước, xã Tân Đức). Ông Phong đang thả nuôi 7 ao cá kèo, tổng diện tích 2 ha, trọng lượng cá trên dưới 40 con/kg và sắp thu hoạch. Ước tính, vụ cá kèo này sản lượng hơn 15 tấn, với giá thị trường hiện nay 90.000 – 100.000 đồng/kg, ông Phong sẽ thu về khoảng 1,5 tỷ đồng, trừ chi phí còn lãi hơn 1 tỷ đồng.

Về quyết định chuyển đổi đối tượng nuôi, ông Phong cho biết: Sau khi “trắng tay” vụ nuôi tôm công nghiệp năm 2007, kinh tế gia đình gặp khó. Năm 2010, ông chuyển sang nuôi thí điểm cá kèo trên diện tích 2.500 m²; được Trung tâm Khuyến nông – Khuyến ngư Cà Mau hỗ trợ 40% con giống, thức ăn, kỹ thuật. Sau 3 tháng thả nuôi, cá kèo đạt trọng lượng 45 – 50 con/kg, thu hoạch 3,5 tấn, bán giá 100.000 – 120.000 đồng/kg, trừ chi phí còn lãi hơn 200 triệu đồng. Thả nuôi vụ kế tiếp, quy mô lớn hơn, trên cơ sở áp dụng các biện pháp kỹ thuật và rút kinh nghiệm vụ nuôi trước, thành công ngoài mong đợi, với lợi nhuận hơn 800 triệu đồng.

Ông Phong nhận định, đây là mô hình sản xuất lý tưởng, đã giúp kinh tế gia đình phục hồi nhanh và ông chưa một lần thất bại với mô hình nuôi cá kèo công nghiệp trong gần 3 năm qua.

 

Còn vướng mắc

Ông Mã Huy cũng cho biết, Trung tâm chưa có chủ trương đối với mô hình này, bởi cái khó của nuôi cá kèo là chưa chủ động được nguồn giống mà hoàn toàn phụ thuộc tự nhiên; hệ thống thủy lợi, thủy nông nội đồng không đồng bộ; vốn đầu tư khá lớn.

Bên cạnh đó, có thời gian giá cá kèo thương phẩm giảm đột ngột, người nuôi bị lỗ. Do mô hình nuôi cá kèo khá đơn giản, ít gặp rủi ro như nuôi tôm nên nhiều địa phương đã khuyến cáo nhân rộng mô hình nuôi này đại trà, thiếu quy hoạch, liên kết vùng nuôi giữa các tỉnh với nhau. Trong khi đó, cá kèo chủ yếu tiêu thụ nội địa nên chịu ảnh hưởng tất yếu của quy luật cung – cầu. Vì vậy, khi vào thời điểm nhiều địa phương thu hoạch cá rầm rộ khiến cung vượt cầu, dẫn đến giá cá giảm. Bị tư thương ép giá, người nuôi giảm lợi nhuận đáng kể, nhiều hộ còn không có lãi.

Vì vậy, để mô hình nuôi này phát triển bền vững, căn cơ, bên cạnh việc mạnh dạn chuyển giao khoa học kỹ thuật giúp nông dân nắm bắt kỹ thuật, nuôi cá thành công…) còn rất cần sự vào cuộc của ngành chức năng, chính quyền địa phương trong việc liên kết “4 nhà”, tìm thị trường tiêu thụ trong ngoài nước, đảm bảo cán cân cung – cầu, ổn định giá. Làm được như vậy nông dân mới tránh được tình trạng “được mùa rớt giá” và mới có thể yên tâm sản xuất.

>> Ông Mã Huy, Phó Giám đốc Trung tâm KN – KN Cà Mau: Trung tâm sẽ đánh giá hiệu quả các mô hình về mặt kinh tế, môi trường, đúc kết quá trình thực hiện, xây dựng mô hình trình diễn thí điểm để người dân tham quan, rút kinh nghiệm.

Hải Linh

Bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Hãy là người đầu tiên bình luận trong bài
error: Content is protected !!