Sự phát triển của nghề đánh bắt xa bờ cùng việc ra đời những nhóm, tổ sản xuất trên biển đã thôi thúc việc hình thành những con “tàu mẹ”, hiện đại đủ sức đưa nghề này thay đổi về chất và nâng cao hiệu quả sản xuất.
Tàu vỏ thép – chưa thỏa mãn yêu cầu
Người thật vui là anh Phan Bé ở xã Phổ Thạnh, huyện Đức Phổ, Quảng Ngãi. Anh Phan Bé nhận bàn giao con tàu SANG FISH 01 trị giá 7,3 tỷ đồng từ Công ty TNHH MTV đóng tàu Nha Trang (thuộc Công ty TNHH MTV đóng tàu Cam Ranh). Anh Bé cho biết đơn vị anh sẽ đầu tư tiếp 3 tỷ đồng nữa hoàn thiện, để con tàu không chỉ đánh bắt mà còn đảm nhiệm vai trò tàu mẹ cho đội tàu 5 chiếc của Tổ hợp tác Dịch vụ hậu cần nghề cá Vùng khơi số 1 TP Đà Nẵng. Gần đây nhất chúng tôi nhận được tin tàu SANG FISH 01 đã ra khơi thử nghiệm trong chuyến đi ngắn ngày và thành công tốt đẹp. Mọi thông số từ tốc độ, mức tiêu hao nhiên liệu, độ rung lắc đều đảm bảo như thiết kế. Cùng với tàu HOANG ANH 1, được bàn giao trước đó, chặng đường đầu ra khơi của con tàu vỏ thép khá ổn thỏa. Về băn khoăn phải trả nợ, cùng khoản đầu tư thêm, khấu hao sẽ lên 1,5 tỷ đồng/năm, vị thuyền trưởng Phan Bé của tàu SANG FISH 01 thẳng thắn đánh giá: Chỉ đánh bắt đơn chiếc, khoản trả này là gánh nặng “mất ăn mất ngủ”, nhưng chúng tôi sử dụng trang thiết bị hiện đại của nó thành năng lực chung toàn đội tàu, khi ấy khoản khấu hao đó là chịu được.
Trái với sự mừng vui của anh Phan Bé, lão ngư dân Lê Văn Hi, 62 tuổi, ở xã Phước Đồng, TP Nha Trang (Khánh Hòa) chê con tàu SANG FISH 01 thẳng thừng: “Ca bin rộng, cao, gặp sóng gió lớn lắc bằng chết, đuôi thấp, sóng tập hậu lên tàu, lúc ấy bò cũng không nổi”. Nhận định của ông Hi cũng trùng với lo lắng của anh Phan Bé cũng như chủ tàu HOÀNG ANH 1, anh Mai Thành Văn. Kích thước các chi tiết trên tàu từ bậc cửa, cửa hầm đựng cá, độ cao thành tàu so với mặt khoang… đều bị cụ Hi chê. Ông nhắc những mẻ lưới trong đêm mưa, sóng lớn anh em làm trên boong ngã bì bạch là chuyện thường, nay “những cục ấy, ngã vô… không xịt máu cũng sưng ống quyển”. Lão ngư dân đến dự hy vọng tìm con tàu mẹ cho ngư đội Nam Yết (Trường Sa) mà ông là ngư đội trưởng, thật tiếc ông chưa thấy con tàu mong ước ấy. Giám đốc Lê Quang Lâm của Công ty TNHH MTV Đóng tàu Nha Trang, nhăn nhó: “Thắc mắc ấy chúng tôi biết, nhưng tàu phải đóng yêu cầu của quy phạm và tuân thủ công ước quốc tế”. Rõ ràng độ vênh giữa thiết kế và thực tế đánh bắt của ngư dân vẫn còn khá rộng.
Tàu SANG FISH 01 của thuyền trưởng Phan Bé Ảnh: Đức Thảo
Bức bách tàu… khủng
Từ đầu năm nay các cơ sở đóng tàu gỗ có vẻ “buồn”, ít tàu đóng mới, nhưng đã đóng đều là tàu khủng, dài trên dưới 25 mét, công suất máy cỡ 800 đến 1.000 CV, sức chở trên trăm tấn. Chủ những con tàu ấy phần lớn đều đã có nhóm, đội tàu, họ đóng thêm không phải vì thích “ngông” mà vì bức bách. Sự phát triển nghề đánh bắt xa bờ đã hình thành những tổ nhóm tàu trên cơ sở quan hệ huyết thống, bè bạn với quy mô 5 – 10 tàu. Những tổ, nhóm này rất cần những tàu mẹ mạnh, hiện đại để tạo đổi thay về chất, nâng cao hiệu quả đánh bắt. Thật tiếc con tàu gỗ dù được coi là khủng nếu nhìn rộng trên đại dương nó vẫn thuộc nhóm tàu nhỏ. Nó không thể khắc phục được những hạn chế cố hữu: tốc độ, tải trọng, khả năng lắp đặt các thiết bị hiện đại phục vụ đi biển, đánh bắt, sơ chế và bảo quản… Tàu vỏ thép hoặc vỏ nhựa đáp ứng được những yêu cầu này. Nhu cầu từ thực tế khiến cho anh Văn, anh Bé vui mừng nhận con tàu dù nhận thấy còn nhiều bất cập trong thiết kế. Tại buổi lễ bàn giao tàu SANG FISH 01, Công ty TNHH MTV Đóng tàu Nha Trang cũng tiến hành lễ ký hợp đồng đóng mới 4 con tàu vỏ thép cho ngư dân. Mong rằng những “người em” sẽ tốt hơn, phù hợp hơn với tầm vóc, thói quen của ngư dân Việt Nam.