Thủy sản khai thác bất hợp pháp, không báo cáo và không được quản lý (IUU) làm tê liệt ngành công nghiệp thủy sản Mỹ, ảnh hưởng trực tiếp ngư dân và doanh nghiệp làm ăn chân chính. Đó là lý do nước này luôn nỗ lực tiễu trừ nạn IUU và gian lận thủy sản.
Đe dọa đại dương và thương mại thủy sản
Thủy sản bất hợp pháp đang thâm nhập thị trường Mỹ, ảnh hưởng xấu đến ngư dân và doanh nghiệp làm ăn chân chính. Theo thống kê của tổ chức bảo tồn đại dương Oceana, IUU đã bòn rút hàng triệu pound thủy sản của Vịnh Mexico, gây thất thoát hàng triệu USD/năm. Cá mập, cá mú đỏ, cá thu đao, cá ngừ bị săn trộm nhiều nhất và được tiêu thụ ở chợ đen với lợi nhuận rất cao.
IUU đang hủy hoại nguồn lợi biển, gây tổn thương nghiêm trọng cho ngành thương mại thủy sản, tác động tiêu cực tới nền kinh tế Mỹ và nhiều nước khác. Tiến sĩ Lubchenco tại Cơ quan Quản lý Đại dương và Khí quyển quốc gia Mỹ (NOOA) cho biết, IUU là một trong những mối đe dọa nghiêm trọng nhất đối với ngành thủy sản Mỹ cũng như vận mệnh đại dương toàn cầu. Từ năm 2011, tổ chức Oceana đã vạch rõ những gian lận thủy sản tại Mỹ. Trong nghiên cứu toàn quốc công bố năm ngoái, theo hướng dẫn của Cục Quản lý Lương thực và Dược phẩm Mỹ (FDA), Oceana đã phát hiện 33% trong hơn 1.200 mẫu thủy sản được kiểm tra bị dán nhãn sai. Con số thiệt hại của ngành thủy sản do nạn IUU hằng năm tới 23 tỷ USD.
Cá ngừ là một trong những đối tượng bị đánh bắt trộm nhiều nhất
Cuộc chiến toàn cầu
Mỹ và EU cùng tuyên bố trong một hiệp ước song phương cùng chống IUU từ tháng 7/2011. Hiệp ước này kêu gọi hợp tác trong việc áp dụng biện pháp quản lý hiệu quả trên phạm vi vùng và quốc tế nhằm ngăn chặn IUU. Bên cạnh đó, giáo dục được coi là công cụ hữu hiệu chống IUU thông qua các tổ chức FoS, MSC đứng ra chứng nhận mặt hàng thủy sản hợp pháp, tuyên truyền người tiêu dùng sử dụng thủy sản có nguồn gốc bền vững.
Tổ chức Oceana cũng khuyến khích các cơ quan liên bang nhanh chóng hành động để ngăn chặn IUU, và công bố bản đồ trực tuyến sử dụng Google Maps Engine, cung cấp thông tin chi tiết về những khu vực có IUU trên toàn cầu. Cùng đó, Mỹ tham gia ký kết thỏa thuận “Thiết lập hệ thống tiêu chuẩn tối thiểu với mỗi cảng để ngăn chặn IUU”, do FAO khởi xướng từ năm 2009. 92 quốc gia đã tham gia ký kết, Mỹ là thành viên thứ 11, bên cạnh EU, Chilê, Indonesia, Na Uy. Thỏa thuận này có tác dụng ngăn chặn các tàu đánh cá thuộc diện nghi vấn trái phép cập cảng và đóng cửa thị trường với những nguồn hải sản không rõ nguồn gốc. Thủy sản bất hợp pháp có nhiều cơ hội len lỏi vào thị trường Mỹ qua các kênh phân phối phức tạp, thiếu minh bạch. Do đó, Quốc hội Mỹ cũng thông qua dự luật triển khai An toàn và chống gian lận thủy sản, yêu cầu truy xuất nguồn gốc trên toàn chuỗi cung ứng thủy sản, tăng cường thanh tra và cung cấp thêm thông tin cho người tiêu dùng ở điểm mua.
Giữa tháng 6/2014, Tổng thống Barack Obama công bố sáng kiến chống IUU và gian lận thủy sản tại hội nghị toàn cầu Our Ocean do Bộ trưởng Ngoại giao John Kerry chủ trì. Ông Obama nhấn mạnh: Làm ngơ trước những vấn đề trên biển, gây cạn kiệt nguồn tài nguyên biển đồng nghĩa với phung phí nguồn của cải quý nhất của nhân loại và hủy diệt một trong những nguồn lực chính để phát triển kinh tế. Tổng thống Mỹ kêu gọi sự chung tay của mọi lực lượng ngư dân, nhà khoa học, chính trị gia, chuyên gia trong lĩnh vực bảo tồn và nhiều lĩnh vực khác, đồng thời cam kết xây dựng chương trình chính phủ chống IUU và gian lận thủy sản. Đây là chương trình đấu tranh toàn diện, có sự phối hợp chặt chẽ giữa các cơ quan liên bang, đồng thời là bước đi lịch sử chống lại IUU và gian lận thủy sản trên toàn thế giới, cũng như bảo vệ đại dương cho thế hệ tương lai.
>> Theo kết quả nghiên cứu của các nhà nhập khẩu thủy sản hàng đầu tại Mỹ, được công bố trên tạp chí Marine Policy, 20 – 32% hải sản đánh bắt tự nhiên nhập khẩu vào Mỹ có nguồn gốc bất hợp pháp, trị giá 1 – 2 tỷ USD/năm, chiếm 15 – 26% tổng giá trị nhập khẩu thủy sản khai thác của nước này.
|