Được thành lập từ đầu năm 2013, lực lượng Kiểm ngư có nhiệm vụ tuần tra, kiểm tra, kiểm soát, phát hiện, xử lý vi phạm pháp luật lĩnh vực thủy sản trên các vùng biển Việt Nam; góp phần hỗ trợ, giúp đỡ ngư dân sản xuất, bảo vệ nguồn lợi thủy sản, bảo vệ an ninh, chủ quyền quốc gia trên biển.
Khó khăn và thách thức
Việt Nam có vùng đặc quyền kinh tế biển, diện tích trên 1 triệu km2, có nhiều nguồn lợi đa dạng, phong phú; ngành thủy sản góp phần quan trọng trong phát triển kinh tế xã hội. Cả nước với hơn 1 triệu ngư dân, 120.000 tàu, thuyền lớn nhỏ tham gia khai thác, đem lại nguồn lợi kinh tế và khẳng định chủ quyền, quyền chủ quyền, quyền tài phán của Việt Nam trên Biển Đông. Trước những yêu cầu và đòi hỏi của ngành nghề, việc ra đời lực lượng Kiểm ngư có ý nghĩa quan trọng bảo đảm thực thi pháp luật trên biển, làm cơ sở để khai thác nguồn lợi thủy sản, đảm bảo an toàn cho người và phương tiện hoạt động thủy sản trên các vùng biển Việt Nam.
Dù mới thành lập, lực lượng Kiểm ngư đã đạt được nhiều kết quả, góp phần giữ vững an ninh trên biển. Năm 2013 và 6 tháng đầu năm 2014, Kiểm ngư Việt Nam đã huy động hơn 120 lượt tàu, xuồng bám biển, phát hiện 600 tàu cá, xử lý 165 trường hợp… Đặc biệt từ ngày 2/5/2014, sau khi phát hiện Trung Quốc hạ đặt giàn khoan Hải Dương 981 trái phép trên vùng biển Việt Nam, lực lượng Kiểm ngư đã cùng Cảnh sát Biển Việt Nam đấu tranh, tuyên truyền… yêu cầu Trung Quốc rút giàn khoan ra khỏi vùng biển thuộc chủ quyền Việt Nam. Cho đến nay, Trung Quốc vẫn duy trì trung bình 120 tàu/ngày với nhiều hành động tấn công, uy hiếp ngư dân, những người làm nhiệm vụ chấp pháp. Những cuộc tấn công của Trung Quốc làm 27 tàu Kiểm ngư bị hư hỏng, thiệt hại nặng và 15 Kiểm ngư viên bị thương.
Chủ tịch nước Trương Tấn Sang chụp ảnh cùng cán bộ lực lượng Kiểm ngư Việt Nam
Trước hành động của phía Trung Quốc, Kiểm ngư Việt Nam chủ động tránh va chạm, đấu tranh bằng phương pháp hòa bình, yêu cầu phía Trung Quốc rút khỏi vùng biển Việt Nam. Đồng thời, tổ chức trực tiếp chỉ huy tại thực địa Đà Nẵng, trực ban 24/24 giờ tại trung tâm Hà Nội. Ngoài ra, các hoạt động hợp tác quốc tế, khai thông kỹ thuật đường dây nóng, trao đổi thông tin về việc phát sinh trong hoạt động nghề cá trên biển… cũng song song được triển khai.
Tăng cường tuần tra, kiểm soát trên biển
Chia sẻ về hoạt động trong 6 tháng cuối năm, ông Hà Lê, Phó Cục trưởng Cục Kiểm ngư cho biết: Một trong những nhiệm vụ quan trọng của Kiểm ngư trong thời gian tới là phối hợp với các lực lượng liên quan tăng cường tuần tra, kiểm tra hoạt động nghề cá trên các vùng biển, kết hợp tuyên truyền về biển đảo, sẵn sàng trợ giúp ngư dân. Bên cạnh đó, các hoạt động đàm phán, xử lý vấn đề phát sinh liên quan hoạt động thủy sản trên biển với các nước trong khu vực, kiện toàn tổ chức bộ máy, đào tạo, tập huấn nhiệm vụ chuyên ngành cho cán bộ Kiểm ngư… cũng được chú trọng.
Trong thời gian qua, những hành động của Trung Quốc trên vùng biển Việt Nam cực kỳ nguy hiểm, ảnh hưởng nghiêm trọng đến hoạt động khai thác thủy sản hợp pháp của ngư dân Việt Nam và đe dọa nghiêm trọng hòa bình, ổn định, an ninh, an toàn và tự do hàng hải, hợp tác và phát triển trong khu vực và thế giới, ông Hà Lê nhấn mạnh.
Bên cạnh những kết quả đạt được, Kiểm ngư Việt Nam là một đơn vị mới được thành lập, bước đầu đã được trang bị các tàu kiểm ngư, các trang thiết bị thông tin liên lạc, các công cụ hỗ trợ, trang thiết bị chuyên dùng phục vụ công tác. Tuy nhiên, cơ sở vật chất, trang thiết bị, phương tiện còn hạn chế; hệ thống văn bản quy phạm pháp luật và các chế độ chính sách còn đang trong quá trình hoàn thiện. Kiểm ngư Việt Nam mong muốn những khó khăn này trong thời gian tới sẽ được khắc phục để hoàn thành tốt nhiệm vụ.
>> Lực lượng Kiểm ngư Việt Nam có cơ cấu tổ chức từ cấp Trung ương đến Vùng gồm: Cục Kiểm ngư có trụ sở chính tại Hà Nội và 4 Chi cục Kiểm ngư Vùng (Hải Phòng, Khánh Hòa, Bà Rịa – Vũng Tàu, Kiên Giang). |