Hỏi: Em ở Hải Phòng, có diện tích mặt nước 2.300 m2 mà chưa biết nuôi cá gì, rất mong được chuyên gia tư vấn giúp. (Duy Quân, huyện Vĩnh Bảo, TP Hải Phòng)
Xem thêm Chuyên mục Hỏi – Đáp Thủy sản (Tạp chí Thủy sản Việt Nam)
Trả lời:
Bạn có thể đào ao, đắp bờ chắc chắn làm cống thoát và cống cấp nước, sau đó dọn sạch, san phẳng đáy và rải vôi bột xuống đáy, bờ ao (10 – 12 kg/100 m2). Lấy nước vào ao (lọc qua lưới), mực nước từ 1 m trở lên.
Nếu ao ở nước ngọt bạn có thể lựa chọn các loài cá sau: Nuôi thâm canh (mật độ 4 – 7 con/m2); Chọn cá rô phi, cá vược… có thể thả ghép cá chép lai V1(5 – 7 m2/con).
Nuôi bán thâm canh, quảng canh: Có thể thả ghép nhiều loài cá (mè, trôi, trắm, chép, rô phi…) với mật độ thả 2 – 3 con/m2. Ao nước mặn, lợ nên chọn cá nuôi như tráp, sủ đất, hồng mỹ, vược…, nuôi đơn hoặc nuôi ghép các loài này với tôm sú, cua hoặc rong câu, mật độ thả 1 – 3 con/m2.
Về con giống, bạn liên hệ tới 2 địa chỉ sau để được cung cấp giống và tư vấn kỹ thuật nuôi: Ông Trịnh Quốc Toản, Trung tâm Giống thủy sản Cầu Nguyệt (nước ngọt), Kiến An, Hải Phòng, ĐT: 0904762929; Ông Trương Văn Trị, Công ty TTHH Giống hải sản Hải Long (nước mặn, lợ) Tiền Hải, Thái Bình, ĐT: 0975559888.
Hỏi: Cách phòng trị bệnh teo gan tụy trên tôm thẻ chân trắng? (Dương Bình Yên, huyện Bố Trạch, tỉnh Quảng Bình)
Trả lời:
Bệnh gan tụy hay còn gọi là Hội chứng chết sớm trên tôm (EMS), do vi khuẩn Vibrio parahaemolyticus gây ra. Tôm thường bị chết hàng loạt, ở thời điểm 20 – 45 ngày thả nuôi, kiểm tra tôm thấy gan tụy bị teo và có màu nhợt nhạt.
Để phòng trị bệnh này cần có các biện pháp sau:
Phòng bệnh: Nạo vét hết lớp bùn đen từ vụ trước, bón vôi, trải bạt đáy ao nếu có điều kiện. Thiết kế nơi quy tụ chất thải, nước cấp được lọc sạch, khử trùng, duy trì mực nước 1,2 m trở lên. Thả giống lớn (> P12) mật độ vừa phải (50 – 60 con/m2 đối với ao đất và 65 – 100 con/m2). Cho ăn đúng quy trình kỹ thuật, đủ lượng, đủ cữ ăn, vừa với sức ăn tôm, tránh thừa hoặc thiếu. Sau 10 ngày thả tôm nên bón chế phẩm sinh học và định kỳ xiphông đáy ao 2 – 3 ngày/lần.
Trị bệnh: Khi tôm có hiện tượng chết, giảm ngay 50 – 60% lượng thức ăn, sử dụng các loại thuốc bổ gan và men vi sinh, Vitamin C (liều lượng theo hướng dẫn) trộn vào thức ăn cho tôm ăn để tăng sức đề kháng. Dùng vôi tăng pH lên 8,6 – 8,8 để hạn chế sự lột xác nhằm giảm tỷ lệ chết của tôm
Duy trì sục khí 24/24h, cung cấp đủ ôxy giảm stress cho tôm.
Hỏi: Cua nuôi được 2 tháng, sau khi lột xác cua bò lên bờ vỏ mềm và chết, xin hỏi bệnh gì, cách chữa trị?(Trịnh Đức Hòa, huyện Thạch Hà, tỉnh Hà Tĩnh)
Trả lời:
Theo mô tả thì cua nhà bạn bị bệnh mềm vỏ, bệnh này do vi khuẩn gây ra khi trời mưa nhiều, độ mặn thấp và nước ao bị ô nhiễm. Hiện, chưa có biện pháp chữa trị cụ thể. Do vậy, bạn có thể làm là vớt bỏ những con cua bị bệnh dạt bờ, giảm 50% lượng thức ăn, thay nước mới, khử trùng nước ao bằng Chlorine 10 – 15 ppm. Sử dụng Vitamin C (liều lượng 5 – 7 mg/kg thức ăn) trộn vào thức ăn giúp cua tăng cường sức đề kháng.