Những năm gần đây, nghề nuôi trồng thuỷ sản trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh đã có bước phát triển khá mạnh; các doanh nghiệp nuôi trồng thuỷ sản cũng như bà con nông dân đã mạnh dạn hơn trong đầu tư mở rộng diện tích ao nuôi, đối tượng nuôi và mở rộng diện tích nuôi thuỷ sản, trong đó có nghề nuôi nhuyễn thể với các đối tượng nuôi chính như: Tu hài, ngao, nghêu… theo hình thức nuôi công nghiệp, nuôi bán thâm canh.
Diện tích nuôi các loại nhuyễn thể ngày một tăng, tuy nhiên, trong khi doanh nghiệp và các hộ dân đầu tư lớn cho nghề nuôi nhuyễn thể thì nghề nuôi này lại luôn tiềm ẩn nguy cơ bị dịch bệnh, gây thiệt hại nặng nề nếu không được phòng bệnh kịp thời trong quá trình nuôi.
Ngao giá được thả nuôi tại Công ty TNHH Đỗ Tờ, Bản Sen (Vân Đồn).
Theo báo cáo của ngành chức năng, từ đầu năm đến nay, toàn tỉnh đã thả nuôi 20.100 ha thuỷ sản các loại, trong đó các đối tượng nuôi mặn lợ 16.730ha. Riêng diện tích nuôi nhuyễn thể 3.434ha… Sản lượng nhuyễn thể trong 8 tháng đầu năm đạt 7.560 tấn. Ngay từ đầu vụ nuôi, Sở NN&PTNT đã phối hợp với các địa phương tuyên truyền vận động, hướng dẫn bà con ngư dân thả giống có nguồn gốc và được kiểm dịch chất lượng con giống. Theo đánh giá của ngành chức năng, vụ nuôi xuân – hè và cả vụ nuôi thu – đông năm nay, tình hình nuôi nhuyễn thể sẽ tiềm ẩn nhiều rủi ro về dịch bệnh. Đối với nuôi nhuyễn thể nói chung, nuôi tu hài nói riêng, hiện nay tại vùng biển Vân Đồn, trước tình hình dịch bệnh từ cuối năm 2011 đầu năm 2012 thì môi trường nước cho nghề nuôi cũng bị ảnh hưởng, sẽ có tác động xấu đối với nghề nuôi cho những vụ tiếp theo. Thực tế trong những vụ nuôi của 3 năm gần đây, huyện Vân Đồn vẫn đang khuyến cáo người dân hạn chế việc thả nuôi tu hài. Một số người dân và doanh nghiệp vẫn tiếp tục nuôi tu hài theo hình thức vừa nuôi vừa kiểm tra tình hình dịch bệnh để có hướng cho việc xử lý dịch bệnh nhưng tu hài nuôi vẫn bị chết, chưa có cách phòng, trị hữu hiệu.
Trong khi dịch bệnh đối với tu hài hiện chưa có cách chữa trị hữu hiệu thì vấn đề về nguồn giống đối với các loại nhuyễn thể đang được thả nuôi trên địa bàn tỉnh chất lượng cũng không đảm bảo. Các doanh nghiệp đầu tư tên địa bàn tỉnh trong lĩnh vực sản xuất giống nhuyễn thể như Công ty TNHH Đỗ Tờ, xã Bản Sen (Vân Đồn) mới chỉ cung cấp được khoảng 20% nhu cầu về giống tu hài cho người dân địa phương và khoảng gần 10% nhu cầu về giống ngao, trong đó có đối tượng nuôi mới là con ngao giá. Trong tổng số hơn 115 triệu con giống nhuyễn thể được thả nuôi từ đầu năm đến nay, hầu hết được nhập từ các tỉnh như Nha Trang, Bến Tre, Thái Bình và từ Trung Quốc… phần lớn không qua kiểm dịch, tiềm ẩn nguy cơ về dịch bệnh. Vì vậy, theo khuyến cáo của ngành chức năng, người nuôi thuỷ sản cần mua bán, thả nuôi con giống đã được kiểm dịch; phòng trừ dịch bệnh theo đúng quy định của Nhà nước và các cơ quan chuyên môn; tuân thủ nghiêm quy hoạch nuôi trồng thuỷ sản của địa phương. Đối với nuôi tôm, do dịch bệnh xuất hiện vào thời điểm giữa và cuối vụ xuân – hè nên nguy cơ dịch bệnh tiềm ẩn tại ao nuôi và khu vực xung quanh ao nuôi đã mắc bệnh trước đó là rất lớn.
Để chủ động phòng, chống dịch bệnh đối với nuôi nhuyễn thể, ngay từ đầu vụ nuôi, Sở NN&PTNT chỉ đạo các đơn vị chức năng trong ngành khuyến cáo người nuôi thả nuôi theo đúng quy hoạch vùng nuôi, khung thời vụ; tổ chức kiểm tra các hoạt động sản xuất và kinh doanh con giống thuỷ sản trên địa bàn; tổ chức tuyên truyền, tập huấn cho các cơ sở nuôi trồng thuỷ sản trên địa bàn tỉnh về bộ tiêu chí VietGAP, biện pháp bảo vệ môi trường, phòng trị bệnh, an toàn vệ sinh thực phẩm trong nghề nuôi; tổ chức giám sát chặt chẽ dịch bệnh trên các vùng nuôi; giám sát việc sử dụng thuốc, hoá chất trong nuôi trồng thuỷ sản; phát hiện, tổ chức bao vây, xử lý ngay ổ dịch bệnh không để dịch bệnh lây lan.