Tổng cục Thủy sản đang lấy ý kiến cho dự thảo đề án Quản lý hoạt động sản xuất, chế biến và xuất khẩu tôm nước lợ khu vực ĐBSCL.
Theo đó, các doanh nghiệp chế biến tôm, nếu tiếp tục hoạt động sản xuất kinh doanh trong lĩnh vực thủy sản, phải có vùng nguyên liệu tối thiểu 10% công suất và phải ký hợp đồng mua tôm nguyên liệu có chứng nhận của cơ quan quản lý nhà nước. Số nguyên liệu còn lại được cung cấp từ các cơ sở nuôi khác thông qua hợp đồng tiêu thụ do các cơ quan quản lý nhà nước xác nhận.
Sản lượng tôm trong nước hiện chỉ đáp ứng được 60-70% công suất của các nhà máy chế biến Ảnh: An Đăng
Theo Tổng cục Thủy sản, hết năm 2013, ĐBSCL có khoảng 596.000 ha nuôi tôm, chiếm gần 91% diện tích nuôi tôm nước lợ của cả nước; trong đó, diện tích tôm sú hơn 580.000 ha, còn lại là tôm thẻ chân trắng. Sản lượng đạt 431.570 tấn (Cà Mau lớn nhất với 133.500 tấn, Bạc Liêu 85.630 tấn, Sóc Trăng 68.500 tấn, Bến Tre 49.156 tấn…). Tuy nhiên, sản lượng này chỉ đáp ứng được 60 – 70% công suất thiết kế của các nhà máy chế biến tôm xuất khẩu đóng trên địa bàn 13 tỉnh ĐBSCL. Tình trạng thiếu nguồn tôm nguyên liệu cộng với quy hoạch mạng lưới nhà máy chế biến chưa đồng bộ nên các nhà máy luôn phải hoạt động dưới công suất thiết kế, nhiều doanh nghiệp phải nhập khẩu nguyên liệu.
Cũng theo dự thảo, đối với các hộ nuôi tôm sẽ tiến tới áp dụng tiêu chuẩn VietGAP cho tất cả các vùng nuôi tập trung nằm trong quy hoạch ở ĐBSCL. Thời gian thực hiện đề án từ năm 2015 đến năm 2020.