Hỏi – Đáp Thủy sản tháng 9 (P. 2)

Chưa có đánh giá về bài viết

Hỏi: Xin hướng dẫn cách thu tỉa tôm trong ao, dụng cụ và phương pháp thu tỉa? (Nguyễn Trí Nguyện, huyện Đầm Dơi, tỉnh Cà Mau)

Xem thêm Chuyên mục Hỏi – Đáp Thủy sản (Tạp chí Thủy sản Việt Nam)

Trả lời:

Thu tỉa tôm trong ao đầm nuôi là phương pháp thu những con tôm đạt kích cỡ thương phẩm mà không ảnh hưởng nhiều đến tôm nuôi trong ao. Phương pháp này thường được áp dụng ở ao, đầm nuôi quảng canh và quảng canh cải tiến có kích cỡ tôm nuôi không đều nhau. Dụng cụ thu tỉa thường dùng là đó đèn (ló đèn). Đó có hình trụ đường kính 60 – 80 cm, cao 1,2 – 1,5 m, dưới bịt kín, trên để hở, xung quanh được đan bằng nan tre thưa để giữ tôm to ở lại và tôm nhỏ lọt qua. Cửa đó thiết kế hình chữ A từ dưới đáy lên.

Vào những tối không trăng mới đem đó ra đánh. Đó được cắm cách bờ 3 – 5 m  trên đỉnh đó treo một đèn sáng, từ chỗ cắm đó vào bờ được cắm 1 hàng đăng bằng lưới. Buổi tối tôm sẽ vào gần bờ kiếm ăn, gặp đăng lưới chắn ngang chúng sẽ men theo đăng đến chỗ cắm đó, theo bản năng hướng quang chúng sẽ chui vào đó qua cửa hom. Tùy lượng tôm trong ao mà cắm số lượng đó nhiều hay ít. Có thể đi thu 2 – 3 lần trong một đêm, mỗi lần cách nhau 2 – 3 giờ, tránh lượng tôm vào đó nhiều sẽ bị ngạt. Sau khi thu tôm cần chuyển tôm vào bể hoặc giai lưới có sục khí rồi mang đi xuất bán.

 

Hỏi: Nước giếng khoan pH = 4,5, có mùi tanh, bơm trực tiếp vào bể nuôi lươn được không? Và cách khắc phục để chất lượng nước phù hợp cho nuôi lươn? (Nguyễn Thị Ánh Ngọc, Long Toàn, TP Bà Rịa, tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu)

 

Trả lời:

Nước giếng khoan có pH thấp và mùi tanh là bị nhiễm xì phèn và có nhiều sắt. Nước này không thể dùng để nuôi lươn được. Do vậy, bạn có thể bơm nước lên bể tăng tiếp xúc của nước với không khí để cho kết tủa hết và lắng xuống đáy, sau đó dùng nước vôi trong té vào bể, đảo đều rồi để lắng 2 ngày, kiểm tra nước bằng giấy quỳ, pH đạt 7 – 7,5 thì mới bơm vào bể nuôi lươn.

 

Hỏi: Ao nuôi tôm thẻ có lắp đặt máy hút bùn ở giữa ao, lắp hệ thống ôxy đáy đục lỗ nhỏ đặt sát đáy ao, xin hỏi khi hoạt động chúng có gây khí độc ảnh hưởng đến tôm không? (Lê Hoàng Tuấn, huyện Cần Giờ, TP. HCM)

 

Trả lời:

Máy hút bùn bạn đặt ở giữa ao là hệ thống xiphông đáy; Tuy nhiên, khi lắp đặt hệ thống này bạn cần lưu ý dùng lưới kích cỡ (a = 0,5 cm) quây xung quanh khu vực này để ngăn tôm. Trong 20 ngày đầu tôm còn nhỏ, lượng chất thải ít nên không cần xiphông mà chỉ cần sục khí đáy. Thời gian tiếp theo, bạn nên tiến hành xiphông đáy, chú ý khi vận hành máy bơm hoặc van xiphông đáy điều chỉnh tốc độ bơm vừa phải để hạn chế tôm bị hút ra ngoài. Trong khi vận hành máy bơm và sục khí đáy sẽ không những không gây độc cho tôm mà còn làm cho đáy ao sạch, lượng ôxy cung cấp đủ xuống tầng đáy giúp khoáng hóa đáy ao tôm phát triển tốt. 


Ban KHKT - Tạp chí Thủy sản Việt Nam

Bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Hãy là người đầu tiên bình luận trong bài
error: Content is protected !!