T2, 06/07/2020 11:09

Tăng sức mạnh tàu cá

Chưa có đánh giá về bài viết

Để tàu vươn khơi xa, đi hành nghề an toàn, không phải gọi tàu cứu nạn, ngư dân cửa biển Kỳ Hà (tỉnh Quảng Nam) áp dụng giải pháp lắp 2 – 3 chân vịt cho tàu cá. Thuyền trưởng Võ Văn Thảo (huyện Núi Thành) cho biết, “quăng lưới thì sẽ chạy chân giữa, bình thường thì chạy chân 2 bên”.

Thêm 50% an toàn

Trong một cơn bão cuối năm 2013, tàu QNa 90695 TS của ngư dân Nguyễn Văn Trúc ở xã Tam Hải (huyện Núi Thành) đưa đội ngư dân từ ngoài khơi lao vào đất liền. Sóng biển phủ kín tàu. Tàu xé sóng, gầm lên mạnh mẽ. Trên hành trình vật lộn với sóng biển, trong khi các tàu khác phải nhích từng đoạn chậm chạp thì tàu ông Trúc nhanh chóng cắt sóng vào bờ.

Nhiều ngư dân tâm sự, lúc tàu vượt sóng gió hoặc chạy né bão, ai cũng thắc thỏm lo, chỉ mong máy của tàu đừng bị sự cố. Máy là trái tim con tàu. Phần lớn tàu ngư dân đều lắp đặt một máy thủy. Giữa biển khơi, không ai biết trước khi nào máy tàu tự dưng hụt, tắt.

Làm ăn cả đời, sống chết chỉ trông vào chiếc máy. Trước đó, thuyền trưởng Trúc quyết định kéo tàu lên đà, lắp thêm chân vịt và bỏ thêm máy tàu. Chiếc tàu có công suất 415 CV, giờ được lắp đặt thêm một máy 300 CV. Máy tàu thế hệ mới hiện đại được sản xuất thu nhỏ nên hầm tàu có thể đặt máy thoải mái. “Tàu có thêm chân… vịt, khi ra khơi ngư dân rất vững tâm”. Khi đánh lưới, ngư dân cho một máy nghỉ, 2 máy thay phiên nhau hoạt động để tăng tuổi thọ và độ bền. Phiên biển kéo dài 20 ngày, chi phí phát sinh thêm hơn 10 triệu. Nhưng bù lại, ngư dân được an toàn khi đánh bắt ngoài khơi xa.

Lắp thêm máy tàu, chi khoảng 100 triệu đồng, đã giúp tăng độ an toàn, nhưng chi phí nhiên liệu thì bạn chài phải gánh thế nào? Mỗi phiên biển tiêu tốn 70 triệu đồng tiền dầu, nếu thêm một máy thì phí tổn đội lên, lấy tiền đâu chia cho bạn chài? Đó là câu hỏi mà ngư dân đặt ra khi con tàu 2 chân vịt hạ thủy. Nhưng qua đi biển thì mọi người mới hiểu, thêm sự an toàn 50%, còn tiền dầu thì chỉ thêm 10%.

Tàu được thiết kế rộng để lắp thêm chân vịt

 

Hai chân khỏi chết máy

Ông Nguyễn Văn Giỏi, Chi cục trưởng Chi cục Khai thác và Bảo vệ Nguồn lợi Thủy sản Quảng Nam cho biết: Tàu ngư dân lắp đặt 2 máy, 2 chân vịt, khi đăng kiểm đã kiểm định là đảm bảo an toàn. Bên cạnh đó, ngư dân đã rút ra được từ thực tiễn là tàu 2 máy vận hành ổn định hơn, mức tiêu hao nhiên liệu tăng không quá nhiều. Vậy nên khuyến khích ngư dân lắp đặt 2 máy, 2 chân vịt để tăng mức an toàn khi đánh bắt ở vùng biển xa.

Anh Bình, một thợ máy ở địa phương cho biết, nếu tàu được lắp một máy thủy Nikita của Nhật, ngư dân đưa thêm xuống một máy phụ nữa để chạy song song thì xác suất chết toàn bộ máy rất hiếm khi xảy ra. Bởi chiếc máy chính có độ bền cao rất ít khi gặp trục trặc, giờ gắn thêm máy phụ thì ngư dân có thể yên tâm ra khơi đánh bắt, khi tàu chạy bão thì người nhà trong đất liền đỡ phập phồng lo lắng. Bên cạnh đó, thêm máy phụ thì ngư dân có thể gắn vào bình phát điện.

 

“Để chân giữa nghỉ ngơi”

Ngư dân Võ Văn Thảo, thuyền trưởng tàu QNa 91270 TS cho biết, nếu lắp 2 máy cho tàu, Nhà nước sẽ không còn phải lo cứu nạn tàu ngư dân chết máy trôi trên biển. Tàu anh Thảo hiện lắp máy có công suất 205 CV, suốt 8 năm hành nghề, tàu đã bị chết máy khá nặng trong một lần đánh bắt ở vùng đảo ngầm cách đất liền 350 hải lý. Anh Thảo đã phải nhờ tàu ông Nguyễn Văn Trúc kéo vào bờ. Tàu anh Thảo cũng từng cứu nạn tàu ông Bùi Văn Sanh, xã Tam Giang (huyện Núi Thành). “Nếu lắp 2 máy, tàu sẽ không cần cứu và vẫn trụ lại đánh bắt kiếm đủ tổn rồi tự vào đất liền”, thuyền trưởng Thảo nghiên cứu và rút ra điều này.

Tính toán về ngư trường cần phải mở rộng trong thời gian tới, ngư dân Võ Văn Thảo chuẩn bị đóng mới một tàu 3 chân vịt, lắp đặt 3 máy thủy, tổng chi phí 1,9 tỷ đồng. Khi chân vịt 2 bên hoạt động thì chân vịt giữa sẽ được nghỉ. “Xác suất an toàn của loại tàu này có thể lên 100%”, anh Thảo cho biết.

Để đóng tàu có 3 chân vịt và 3 máy, theo thiết kế, con tàu sẽ được mở rộng vỏ. Tàu mới sẽ dài 19,5 mét, rộng 5,8 mét, cao 3 mét. Đây sẽ là vỏ tàu lớn, diện tích lòng tàu đủ khoảng trống lắp đặt 3 máy thủy vận hành.

Theo thiết kế, máy chính của tàu là Mitshubishi S6B công suất 450 CV, 2 máy phụ Devos 300 CV. Tổng cộng mã lực trên tàu đã vượt hơn 1.000 CV. Đây thực sự là con tàu chiến khi xuôi ngược trên biển cả. Theo tính toán, tàu sẽ chạy chân vịt 2 bên nhờ 2 máy phụ, còn chân vịt giữa thì được nghỉ và chỉ hợp lực khi tàu gặp sóng to gió lớn. Mức tiêu hao nhiên liệu 180 lít dầu/ngày; tốc độ hành trình 8 hải lý/giờ.

>>Nhiều tàu cá đánh bắt xa bờ tại cửa biển Kỳ Hà đã vươn ra vùng biển Trường Sa, vùng rạng ngầm cách đảo Hoàng Sa gần 100 hải lý. Nơi đây có nhiều cá nhưng dòng nước liên tục thay đổi, có lúc thành hình xoáy. Tàu ngư dân ra vùng biển này đánh bắt, khi bị chết máy hoặc gặp lốc tố thì nhiều nguy hiểm. Muốn tìm nơi đậu, phải chạy vào đảo Đá Bắc ở Hoàng Sa. Trong tình cảnh như vậy, rất cần thiết tàu gắn 2 máy.

Văn Chương

Bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Hãy là người đầu tiên bình luận trong bài
error: Content is protected !!