Hỏi: Tôm thả được 20 ngày, thăm nhá thấy tôm bị đục thân nhiều nhưng không cong thân, vậy nguyên nhân do bệnh đục thân hay hoại tử cơ ? (Hữu Nghĩa – 0917407373)
Xem thêm Chuyên mục Hỏi – Đáp Thủy sản (Tạp chí Thủy sản Việt Nam)
Trả lời
Theo mô tả, có thể nguyên nhân do bệnh đục cơ. Bệnh này thường xuất hiện ở tôm thẻ chân trắng khi môi trường nước bị ô nhiễm. Tôm khi bị bệnh thường bị đục ở phần đuôi hay phần giữa cơ thể, tôm có màu tối và có nhiều sinh vật bám, khi bị bệnh tôm chết rải rác và hao hụt nhiều. Ngoài ra tôm còn có biểu hiện đục cơ khi bị bệnh EMS. Bệnh này thường xuất hiện ngay trong tháng nuôi đầu. Biểu hiện cơ thể một số con chuyển màu trắng đục, tôm bỏ ăn, gan tụy teo lại và có màu nhợt nhạt. Bạn nên quan sát kỹ hiện tượng đục cơ, hoạt động bắt mồi, sức ăn của tôm thì mới xác định được đúng bệnh.
Hỏi: Bệnh chết sớm trên tôm thẻ chân trắng xuất hiện ở giai đoạn nào của tôm và cách phòng trị? (Lý Chi Bằng – huyện Cái Nước, tỉnh Cà Mau)
Trả lời
Bệnh chết sớm ở tôm (EMS) thường xuất hiện và bùng phát ngay trong tháng nuôi đầu tiên. Bệnh thường xuất hiện khi thời tiết thay đổi, nắng mưa bất thường; khi phát bệnh sẽ gây chết tôm hàng loạt. Do vậy cần phòng và trị bệnh:
Phòng bệnh: Cải tạo ao đúng quy trình kỹ thuật, xử lý nước trước bơm vào ao, duy trì độ sâu 1,2 – 1,5 m. Chọn tôm giống từ pl12 trở lên; giống phải được kiểm dịch, nhằm loại bỏ tôm ủ bệnh. Thả tôm mật độ vừa phải, lắp đặt quạt khí phải phù hợp, công suất đủ cung cấp ôxy cho tôm nuôi. Trong qua trình nuôi cần cho ăn đủ lượng và chất, hạn chế dư thừa. Sau khi thả tôm 10 ngày nên dùng chế phẩm sinh học định kỳ (7 – 12 ngày/lần) và xiphông định kỳ nền đáy 3 ngày/lần (nếu có thể).
Trị bệnh: Khi phát hiện bệnh cần giảm 50% thức ăn hoặc lập tức ngưng cho ăn để giảm tỷ lệ chết của tôm, tăng cường quạt khí và dùng nước vôi nâng pH lên 8,2 để hạn chế tôm lột xác (tôm chết nhanh hơn sau khi lột xác). Sau đó dùng vitamin, men vi sinh, thuốc bổ gan, trộn vào thức ăn cho tôm ăn và tăng dần lượng thức ăn khi tôm khỏe trở lại.
Hỏi: Tôm bị phân trắng, nguyên nhân gây bệnh và điều trị như thế nào? (Trần Thị Nhạn – huyện Thạnh Phú, tỉnh Bến Tre)
Trả lời
Bệnh phân trắng thường xuất hiện trên tôm nuôi giai đoạn 40 – 70 ngày, tác nhân gây bệnh do ký sinh trùng Gregarine ký sinh trong ruột cùng với vi khuẩn và độc tố của một số loài tảo lam, tảo giáp gây ra. Khi tôm bị bệnh, quan sát thấy trên mặt nước phía gần bờ, cuối gió ao nuôi có những dải phân màu trắng nổi lên, lác đác tôm dạt bờ, cơ thể màu tối, đường phân nhỏ nhạt màu và ngắt quãng. Tôm giảm và bỏ ăn, chết rải rác và hàng loạt, tỷ lệ hao hụt lớn.
Nguyên nhân gây bệnh do chuẩn bị ao không tốt, đáy ao nhiều mùn bã hữu cơ, thức ăn thừa nhiều, nước ao nuôi bị ô nhiễm và không cung cấp đủ hàm lượng ôxy cho ao nuôi.
Trị bệnh: Khi tôm bị bệnh, cần giảm 30 – 50% lượng thức ăn hoặc ngưng cho ăn hoàn toàn, tăng cường quạt khí hết công suất.
Dùng hóa chất (Chlorine, BKC, MIZUPHOR…) liều lượng theo hướng dẫn trên bao bì để khử trùng nước, sau đó bón chế phẩm sinh học để gây nuôi lại hệ vi sinh trong ao.
Sử dụng thuốc kháng sinh cotrim và metionin để điều trị trong 1 tuần.
Trong 3 ngày đầu dùng cotrim + metioninn = 3 + 2 (viên/1 kg thức ăn), cho ăn 2 lần/ngày. Từ ngày thứ tư trở đi giảm còn 2 cotrim + 2 metionin (viên/1 kg thức ăn) và có thể tăng dần lượng thức ăn khi tôm khỏe trở lại.