T2, 06/07/2020 09:50

Thủy sản Đồng bằng sông Cửu Long: Nguy cơ mất trắng

Chưa có đánh giá về bài viết

(Thủy sản Việt Nam) – Hiện, ngành thủy sản ĐBSCL đang đối diện với nguy cơ dịch bệnh nghiêm trọng và có thể hàng chục ngàn héc ta nuôi trồng thủy sản sẽ mất trắng vì dịch bệnh bùng phát mạnh và chưa có dấu hiệu dừng lại.

Ngày 20/4 tại TP.HCM, Thứ trưởng Bộ NN& PTNT Nguyễn Thị Xuân Thu đã có buổi làm việc với các tỉnh ĐBSCL, các viện, trường có liên quan đến ngành thủy sản để tìm giải pháp khắc phục cho ngành nuôi tôm, nghêu nhằm tránh một “hiệu ứng domino” lan rộng ra nhiều địa phương.

 

Diện tích dịch bệnh tăng nhanh

Theo số liệu thống kê của Tổng cục Thủy sản, đến giữa tháng 4, tại tỉnh Bến Tre có 1.400 ha, còn Tiền Giang là 225 ha nghêu dịch bệnh. Khảo sát của Tiến sĩ Nguyễn Văn Hảo, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Nuôi trồng Thủy sản 2, tại hai tỉnh này cho thấy, Tiền Giang có tỷ lệ nghêu chết ở mức 40-50%, Bến Tre là 70-90%. Theo ông Hảo, nguyên nhân là do nghêu đã nhiễm ký sinh trùng Perkinsus, đây là loại ký sinh trùng gây bệnh trên nghêu phổ biến trên thế giới hiện nay. Đơn cử, trong tháng 4, nghêu bị nhiễm Perkinsus ở Tiền Giang lên tới 70%, Bến Tre tỷ lệ nhiễm là 30-40%. “Nuôi nghêu ở Tiền Giang và Bến Tre theo mô hình nuôi hở, vì vậy, người nuôi rất khó kiểm soát được dịch bệnh trong quá trình nuôi”, ông Hảo cho hay.

Còn diện tích tôm sú và tôm thẻ chân trắng ở ĐBSCL, đến thời điểm này đã lên tới gần 8.000 ha bị thiệt hại. Tình tình dịch bệnh đang diễn biến phức tạp, khó lường, trong đó, Sóc Trăng có diện tích tôm bị chết đang tăng nhanh với hơn  7.000 ha tôm bị thiệt hại. Theo khảo sát của tiến sĩ Nguyễn Văn Hảo, tôm chết ở Sóc Trăng là do bệnh đốm trắng, bệnh này phát triển nhanh, mạnh trên tôm có độ tuổi từ 20-30 ngày tuổi.

Theo Viện Nghiên cứu Nuôi trồng Thủy sản 2, ngoài việc tôm, nghêu bị nhiễm virus, ký sinh trùng thì yếu tố thời tiết bất lợi cũng là một trong những nguyên nhân khiến dịch bệnh trên thủy sản ở ĐBSCL lan rộng.


Hiện ở ĐBSCL, gần 8.000ha diện tích nuôi tôm bị thiệt hại vì dịch bệnh               Ảnh: Thanh Nhã

 

Ngăn dịch trước khi quá muộn

Trước tình hình dịch bệnh đang có xu hướng bùng phát mạnh ra nhiều địa phương, Thứ trưởng Nguyễn Thị Xuân Thu cho rằng, các địa phương cần khoanh vùng dịch, dập dịch và đề nghị Chính phủ hỗ trợ rủi ro cho nông dân, hỗ trợ kinh phí, vật tư dập dịch. Về mặt kỹ thuật, Viện Nghiên cứu Nuôi trồng Thủy sản 2 nhận định, để ngăn dịch thì trước tiên phải cô lập để tiêu diệt những ổ dịch bệnh, sau đó, phải cải tạo ao nuôi rồi mới có thể nuôi trở lại.

Theo ông Hảo, thông thường để cải tạo ao nuôi cần đến 3-4 tháng, còn hiện tại, người dân ĐBSCL chỉ cải tạo ao nuôi trong 1 tháng, trong khi đó, ĐBSCL đã bắt đầu ấm lên, nên cần phải cải tạo ao nuôi ngay vì nếu thả tôm muộn nhiều khả năng sẽ gặp mưa dầm, lúc này, tôm mới thả nguy cơ bị chết hàng loạt. Đồng thời, ĐBSCL có nên tính toán đến phương án là công bố dịch bệnh trên ngành thủy sản. Tuy nhiên, thời điểm công bố cần tính toán kỹ vì có thể ảnh hưởng đến sản lượng và kim ngạch xuất khẩu của nước ta trong thời gian tới.

Về vấn đề này, ông Nguyễn Hồng Dân, Cục phó Cục Thú y cho rằng, việc công bố dịch trên tôm sẽ không ảnh hưởng đến tới xuất khẩu các mặt hàng chế biến từ tôm, vốn là một trong hai mặt hàng xuất khẩu chủ lực của nước ta trong nhiều năm qua. “Hiện chỉ có Australia ra quy định bắt buộc mọi lô hàng tôm nhập khẩu vào nước này đều phải hấp chín. Do đó, nếu công bố dịch bệnh trên tôm, thì nhiều khả năng Australia sẽ ra lệnh cấm nhập khẩu tôm đông lạnh từ nước ta”, ông Dân nói. Tuy nhiên, hiện sản lượng tôm nước ta xuất khẩu sang Australia là không đáng kể, còn các thị trường như EU, Mỹ thì tôm chỉ cần làm đông lạnh là có thể thông quan bình thường.

Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Thị Xuân Thu trong chuyến khảo sát tại các tỉnh ĐBSCL

Theo nhận định của Thứ trưởng Nguyễn Thị Xuân Thu, dịch bệnh thủy sản không thể chấm dứt sau một thời gian bùng phát như dịch bệnh gia súc, gia cầm. Để công bố dịch bệnh trên thủy sản, Cục Thú y cần nghiên cứu và tính toán cụ thể tỷ lệ tôm chết bao nhiêu thì công bố dịch, tỷ lệ tôm chết là bao nhiêu (ví dụ từ 15-20%) và duy trì trong thời gian bao nhiêu ngày sẽ công bố hết dịch.

>> Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Thị Xuân Thu: “Sắp tới, Bộ sẽ thành lập 3 đoàn công tác xuống những tỉnh có dịch bệnh phát triển mạnh là Tiền Giang, Bến Tre, Sóc Trăng, Bạc Liêu, Cà Mau và Kiên Giang thu mẫu con giống, mẫu bệnh và mẫu môi trường để phân tích tìm hiểu nguyên nhân gây bệnh. Sau đó, đoàn kiểm tra sẽ cùng với các địa phương đưa ra từng giải pháp cụ thể cho từng vùng nuôi nhằm khống chế và tiêu diệt dịch bệnh, cũng như hướng dẫn người nuôi kỹ thuật phòng chống bệnh trong vụ nuôi tiếp theo”.

                                Vũ Hạ

 

Bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Hãy là người đầu tiên bình luận trong bài
error: Content is protected !!