Xuất ngoại qua Indonesia rồi kêu cứu…

Chưa có đánh giá về bài viết

(Thủy sản Việt Nam) – Thông tin về 2 chiếc tàu đầu tiên của tỉnh Quảng Ngãi được cấp phép xuất ngoại đi đánh cá tại Indonesia khiến nhiều ngư dân phấn khởi. Thế nhưng, điều hết sức bất ngờ, đó là đến nước bạn, các ngư dân lại nằng nặc xin về.

Vui chỉ tày gang

Ngày 3/1/2011, chiếc tàu QNG 96259 TS của ngư dân Lê Văn Hạnh (SN 1970) và QNG 96279 TS của Bùi Thuyết (SN 1954) cùng ở huyện đảo Lý Sơn chở theo 20 ngư dân xuất cảng Sa Kỳ đi Indonesia khai thác hải sản. Ngư dân trên hai con tàu phấn khởi, vì từ trước đến nay, các tàu ở địa phương xuất ngoại chủ yếu là làm hồ sơ tắt, nên khi qua Indonesia khai thác thường gặp rắc rối, còn hai chiếc tàu này có hồ sơ chính thống.

Hai con tàu được sơn lại màu và gắn biển số ngoại, mang theo giấy phép khai thác thủy sản của Indonesia SIPI-OI số: 26.10.0028.04.26508, cùng giấy chứng nhận quốc tịch tàu. Và dự kiến hành trình 15 ngày từ Việt Nam đến cảng neo đậu Bomaco – Timika của Indonesia.

Các ngư dân vui mừng trong ngày xuất ngoại

Theo hợp đồng đã ký với Công ty TNHH Đại Dương, văn phòng thường trú tại 643 đường Hùng Vương, phường Nhơn Phú, TP Quy Nhơn. Nội dung: Đảm bảo cho tàu đi khai thác hợp pháp, sản phẩm tiêu thụ tại nước sở tại giá thành thấp hơn Việt Nam thì Công ty sẽ chịu trách nhiệm đưa về Việt Nam tiêu thụ. Ít nhất trong vòng 10 ngày kể từ khi tàu nhập cảng là có thể hoàn tất thủ tục ra khơi. Ngành nghề khai thác: Câu cá ngừ Đại dương. Công ty thường xuyên liên lạc với ngư dân qua số: 006282110821102 và 00628110799668 để hướng dẫn.

Trước khi xuất bến, tàu cá đã thanh toán mọi chi phí cấp phép cho Công ty, mỗi tàu giao số tiền là 300 triệu đồng. Tuy nhiên, khi sang nước sở tại, các tàu cá Lý Sơn cương quyết không cho nhà chức trách gắn thiết bị vệ tinh VMS lên tàu. Trong khi theo quy định của nước bạn, tất cả tàu cá đều phải gắn thiết bị vệ tinh để theo dõi tọa độ đánh bắt, ngành nghề đánh bắt theo hợp đồng.

Khi sang Indonesia, các ngư dân sẽ phải nộp 22.000 USD cho nước sở tại. Đây là số tiền đặt cọc, tránh trường hợp ngư dân phá hợp đồng tự ý bỏ về. Ngoài ra, tàu cá phải đóng 3.000 USD tiền thuế tại cảng. Tuy nhiên, theo Công ty Đại Dương, Bộ Tài chính Indonesia đã ban hành công văn 241 vào cuối năm 2010. Theo đó, số tiền đặt cọc tăng từ 22.000 USD thành 55.000,  USD (khi về nước được hoàn lại) nên ngư dân không chấp nhận. 

 

Đi nghề câu, tính nghề lặn

Trước đó, hai chiếc tàu cá của ngư dân tỉnh Bình Thuận mang số Bth 99788 TS và Bth 99029 TS cũng ký hợp đồng với Công ty, sang Indonesia làm ăn nhưng đánh bắt vượt khỏi vùng biển cấp phép. Hậu quả, 2 tàu cá này đã bị thiết bị vệ tinh gắn trên tàu “tố cáo” nên bị phạt 3.000 USD. 

Theo biên bản được lập vào ngày 5/4/2011 tại Timika, Công ty đã hoàn tất thủ tục để ngày 16/4 hai tàu sẽ rời Indonesia, nhưng khi hoàn tất thủ tục đưa tàu về Việt Nam, các ngư dân lại muốn ở lại.

Qua vụ việc trên, nổi lên một nghịch lý, đó là các ngư dân Lý Sơn đăng ký sang nước bạn câu cá ngừ đại dương. Trong khi ở Lý Sơn, nghề này khá xa lạ. Và nhiều ngư dân muốn vận dụng thêm nghề tay trái – đó là lặn hải sâm (một phiên kiếm vài tỷ)? Do không lặn được hải sâm vì luôn bị thiết bị theo dõi “tố cáo”, ngư dân tính đường rút.

Đơn kêu cứu của ngư dân

Vừa qua, ông ông Đỗ Anh Dũng – Giám đốc Công ty TNHH Đại Dương đã đến Quảng Ngãi gặp cán bộ phòng PA 61 – Công an tỉnh, Bộ Chỉ huy Biên phòng Quảng Ngãi theo trát mời và trình bày: “Đây chỉ là vụ việc liên quan đến hợp đồng dân sự, không có yếu tố lừa đảo”. Phía công an và biên phòng đã đề nghị ông Dũng thuyết phục ngư dân nên dàn xếp ổn thỏa để ở lại Indonesia đánh cá và phải chấp hành nghiêm pháp luật của nước sở tại.

Bài học rút ra – đó là nước bạn có công nghệ quản lý tàu cá rất hiện đại, ngư dân sẽ thất bại nếu có ý định “vượt rào” – khai báo đi vùng biển này, nhưng chạy sang vùng biển kia, hoặc khai báo hành nghề câu nhưng mơ tưởng chuyện đi lặn.

HẢI YẾN

Bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Hãy là người đầu tiên bình luận trong bài
error: Content is protected !!