T2, 06/07/2020 11:10

Nghề lưới Tân An tiếp sức Biển Đông

Chưa có đánh giá về bài viết

Với người đánh cá quanh năm mưu sinh ngoài biển cả, những tấm lưới luôn được coi là “cần câu cơm”, còn người thợ làm nghề đan lưới lại coi đó là cái nghiệp. Các tay đan thay phiên nhau làm việc cả ngày lẫn đêm để giao hàng đúng hẹn, nhằm tiếp sức cho ngư dân yên tâm bám biển.

Thương hiệu toàn quốc

Theo những người thợ chuyên nghề làm lưới ở phường Tân An (thị xã Quảng Yên, tỉnh Quảng Ninh), nghề này đã được hình thành từ lâu nhưng phải đến những năm 1995 – 1996 mới bắt đầu “nổi”.

Trải qua bao thăng trầm, đến nay, nghề lưới ở đây vẫn đứng vững, sản phẩm của các tay đan Tân An không những đi khắp vùng biển tỉnh Quảng Ninh mà còn đến nhiều địa phương trọng điểm nghề cá (Hải Phòng, Thừa Thiên – Huế, Đà Nẵng, Quảng Nam, Quảng Ngãi…). Hầu hết các hộ ở làng lưới Tân An đã giàu lên bằng sản phẩm do mình làm ra.

Chị Lưu Thị Vân, Giám đốc Công ty TNHH Tân Vân, doanh nghiệp chuyên kinh doanh, sản xuất lưới giã ván khơi, lưới vét, cánh ván giã, lưới kéo, túi đầm, túi đáy, te xiệc… phù hợp mọi ngư trường trong nước, cho biết: con đường đến với nghề lưới của gia đình chị như một định mệnh. Từ năm 1996 về trước, sau nhiều năm nhọc nhằn gom góp, vợ chồng chị mở được một cơ sở kinh doanh chuyên nghề vá lưới cho tàu cá xa khơi. Trăn trở với câu hỏi “Người dân vùng biển Tân An nói riêng, Quảng Ninh nói chung có truyền thống đánh bắt thủy sản, vậy tại sao không thể tự làm lưới phục vụ cho nghề của mình?”, Lưu Thị Vân cùng chồng thực hiện nhiều chuyến đi học hỏi kỹ thuật đan một số loại lưới mà ngư dân cần; sau đó, thí điểm bằng việc bỏ vốn, thuê nhân công, triển khai sản xuất nhiều loại lưới. Qua nhiều giai đoạn kinh doanh, thuận lợi có, bầm dập cũng nhiều, đến thời điểm hiện tại, Công ty Tân Vân đã đủ sức đáp ứng nhu cầu về đủ loại lưới đánh bắt hải sản trong nước.

Giám đốc Công ty TNHH Tân Vân Lưu Thị Vân, một “đại gia lưới” ở làng nghề Tân An

“Ngày nay, với sự phát triển khoa học kỹ thuật, sợi cước nilon đủ loại kích cỡ, phao, chì đã được sản xuất sẵn; đan được tấm lưới dễ hơn trước nhiều, chỉ cần chịu khó, kiên trì nữa mà thôi. Nhưng nói vậy không có nghĩa nghề lưới dễ dàng hái ra tiền. Kể cả khi có sự trợ giúp của công nghệ hiện đại, người thợ vẫn phải kỳ công mới tạo ra được tấm lưới đủ tiêu chuẩn…”, chị Vân cho biết.

Vị nữ giám đốc có công tạo ra trên dưới 500 lao động thường xuyên cho người dân địa phương và góp phần lớn cho thương hiệu lưới Tân An bay xa, còn tâm sự rất nhiều về cái nghề mà mình tâm đắc.

 

Được nhờ lộc biển

Đến phường Tân An, chúng tôi được chứng kiến không khí nhộn nhịp, với tiếng thoi dệt lưới lách cách khắp nơi. Ông Lê Văn Tâm, chủ một hộ đan lưới lâu năm ở đây cho biết, ban đầu ở Tân An chỉ có vài hộ hành nghề đan lưới, chủ yếu dệt bằng tay. Đến nay, toàn phường đã có hàng chục hộ chuyên sản xuất, kinh doanh bằng nghề này, trong đó có nhiều hộ đầu tư mua sắm máy móc theo hướng “làm ăn lớn”… Hiện, cơ sở làm lưới của gia đình ông Tâm thường xuyên có hơn chục lao động; công việc dệt lưới được chia thành từng công đoạn do một thành viên phụ trách (như đan, dập chì, đan lưới, vào phao…). “Nghề làm lưới đòi hỏi sự khéo léo và kiên nhẫn rất cao. Ai thiếu hai đức tính này có làm lâu mấy cũng chẳng thể thành nghề. Tay đan nào có thâm niên cao trong nghề, chỉ cần quan sát vài đường đan sẽ biết ngay trình độ “cao thủ” hay “thường thường bậc trung…”, ông Tâm nói.

Chị Lê Thị Thủy là một trong những chủ hộ hành nghề đan lưới khá quy mô ở phường Tân An. Chị cho biết, muốn có tấm lưới tốt và giữ được khách hàng, các tay đan không những phải khéo léo, nhẫn nại mà còn phải nắm được bí quyết. Tùy loại lưới, trong quá trình gắn phao và chì, phải có kỹ thuật phù hợp. Ví như, với loại lưới kéo, khi gắn phao, điều lưu ý đặc biệt là khoảng cách giữa các phao phải đều nhau, để khi ngư dân thả lưới gặp dòng nước chảy, lưới vẫn không có kẽ hở khiến cá lọt ra ngoài. Theo chị Thủy, ở Tân An, người có tay nghề giỏi có thể kiếm được 150 – 200 nghìn đồng/ngày, thợ bình thường cũng có thu nhập 2 – 3 triệu đồng/tháng, khá cao so với nghề khác.

Từ Tết Giáp Ngọ 2014 về trước, lưới bán ra thị trường không chạy lắm, vì nhu cầu đánh bắt thủy, hải sản ở địa phương cũng như các thị trường khác gặp nhiều khó khăn. Nhưng từ sau Tết đến nay, công việc của các cơ sở sản xuất lưới ngày càng bận rộn, vì sản phẩm lưới đánh bắt hải sản được tiêu thụ rất mạnh. Chị Thủy cho rằng, những ngày qua, dù tàu Trung Quốc cản trở lối ra vào ngư trường Hoàng Sa – Trường Sa của Việt Nam nhưng ngư dân của ta vẫn tăng cường vươn khơi bám biển, tham gia bảo vệ chủ quyền Tổ quốc. Cũng thời gian này, ngư dân liên tục trúng luồng cá nên mỗi chuyến ra khơi trở về, tàu nào cũng đầy ắp cá. Chính vì vậy, làng lưới Tân An được “hưởng lây lộc biển”, khi nhu cầu của ngư dân về công cụ khai thác hải sản ngày càng tăng.

 

Tiếp sức bảo vệ chủ quyền quốc gia

Cùng với những khó khăn như khan nhân công, thiếu vốn, nghề làm lưới ở Tân An dù uy tín đã bén rễ sâu vào khách hàng vẫn gặp nhiều khó khăn do cước từ Nhật Bản, Thái Lan, Trung Quốc giá tăng cao, trong khi giá sản phẩm không thể tăng nhiều. Đó là chưa kể, sản phẩm lưới có xuất xứ nước ngoài vào Việt Nam ngày càng nhiều đã “bao vây” sự phát triển của làng lưới Tân An nói riêng, các làng nghề truyền thống làm nghề lưới nói chung.

Ông Nguyễn Văn Vượng, một ngư dân kỳ cựu ở phường Hà Phong, TP Hạ Long, một khách hàng lâu năm của nghề đan lưới Tân An kể: “Cũng như nhiều gia đình ngư dân khác ở tỉnh Quảng Ninh, cả đời ông, đời cha và giờ đến đời con của tôi đều gắn bó với nghề biển. Trước đây, ngư dân vùng biển Hạ Long chỉ đánh bắt với công cụ thô sơ nên hiệu quả thấp. Nghề đan lưới Tân An đã giúp chúng tôi có nhiều thuận lợi trong việc vươn ra khơi xa đánh bắt xa bờ góp phần bảo vệ chủ quyền biển đảo quốc gia”.

>> Ông Lưu Văn Lâm, Chủ tịch Hội Nghề cá phường Tân An: Hiện nay, người làm nghề lưới ở đây càng ý thức rằng mình đang có trách nhiệm bảo vệ chủ quyền Tổ quốc….

Hữu Tuấn

Bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Hãy là người đầu tiên bình luận trong bài
error: Content is protected !!