Hỏi: Lươn thả được 6 ngày bị chết rải rác, thân nổi đốm đỏ, ói ra máu, tách đàn bơi khó khăn. Đã dùng Galaxy 150 trộn với thức ăn và ngâm bể, thay nước cũng không thấy khả quan. Xin cho biết nguyên nhân và cách điều trị? (Bùi Minh Điền, huyện Châu Thành, tỉnh Đồng Tháp)
Xem thêm Chuyên mục Hỏi – Đáp Thủy sản (Tạp chí Thủy sản Việt Nam)
Trả lời:
Theo như mô tả, nguyên nhân có thể lươn đã ủ bệnh từ trước hoặc lươn còi lọc lại của các trại nuôi (do chọn nhiều nên xây xát) và vận chuyển đường xa. Cũng có thể do nước cấp bị ô nhiễm, khi lươn vận chuyển về không được tắm nước muối nên bị nhiễm bệnh từ môi trường nước. Do vậy, bạn cần làm như sau: Kiểm tra lại nguồn nước cấp, nếu nước sạch thì kiểm tra nguồn cung cấp giống. Nên loại bỏ những con yếu và xem xét lươn có còn ăn được không, nếu lươn không ăn thì khó mà cứu chữa. Bạn cần mời cán bộ kỹ thuật đến để xác định đúng bệnh của lươn sau đó mới dùng thuốc đặc trị chứ không nên tự ý dùng các loại thuốc để trị bệnh này.
Hỏi: Xin cho biết những đặc điểm sinh học của cá còm? (Vũ Thế Hùng, quận Ninh Kiều, TP Cần Thơ)
Trả lời:
Cá còm hay còn gọi là cá nàng hai (Notopterus chitala), ở nước ta cá sống chủ yếu ở một số nhánh sông lớn đổ vào sông MêKông và các thủy vực nước ngọt thuộc lưu vực sông MêKông. Cá có hình dạng giống cá thát lát nhưng trên thân có nhiều đốm tròn đen có viền trắng và phân bố dọc theo vây hậu môn.
Cá thường được nuôi trong các ao nước tĩnh làm thực phẩm hoặc làm cảnh. Cá có tốc độ sinh trưởng chậm, trong tự nhiên có thể dài 80 cm và nặng tới 3 kg. Cá thích sống trong môi trường nước có thực vật thủy sinh lớn, PH = 6,5 – 7, nhiệt độ 26 – 280C, ban ngày cá ẩn nấp trong đám thực vật thủy sinh ở nơi nước lặng, ban đêm mới đi kiếm ăn. Cá bơi lội chậm chạp, nhẹ nhàng, thức ăn gồm cá con, tép ấu trùng, côn trùng… Cá trưởng thành sau một năm tuổi, mùa sinh sản của cá từ tháng 6 đến tháng 9 hàng năm, cá đẻ trứng bám trên các gốc cây hoặc vật cứng trong nước. Sau đó, con đực ở gần canh giữ trứng. Cá đẻ thành nhiều đợt trong năm, mỗi đợt 100 – 150 trứng. Ở điều kiện nhiệt độ nước 240C, trứng sẽ nở sau 5 – 6 ngày.
Hỏi: Cá điêu hồng bị trắng gan, lồi mắt và ký sinh trùng thì trị như thế nào? (Trần Thi Ý, huyện Cao Lãnh, tỉnh Đồng Tháp)
Trả lời:
Bệnh trắng gan, lồi mắt trên cá nuôi có hai nguyên nhân: Do cá ăn phải thức ăn có chất lượng kém và cá bị bệnh do vi khuẩn Streptococcus sp gây ra (bệnh này xuất hiện nhiều trong mùa mưa và có tốc độ lây lan nhanh). Do vậy, việc đầu tiên bạn nên giảm 50% lượng thức ăn, sau đó kiểm tra thức ăn, nếu thức ăn tốt thì có thể dùng kháng sinh Docyxyline (dùng cho thú y) cho cá ăn, liều lượng 5 – 7 mg/kg cá, cho ăn 5 – 7 ngày. Đồng thời, khử trùng nước bằng hóa chất như BKC, Vicato, Chlorine… với liều lượng ghi trên bao bì. Trong quá trình khử trùng có thể ký sinh trùng cũng sẽ bị tiêu diệt, nếu kiểm tra cá vẫn còn ký sinh trùng thì bạn cần xác định đó là loại gì để có hóa chất đặc trị (như trùng bánh xe thì dùng Sulfat đồng (CuSO4), trùng quả dưa, dùng Xanhmalachite…).