Hai mặt hàng cá ngừ và cá chình của Bình Định và Bạc Liêu đang có cơ hội lớn tại thị trường Nhật Bản và Hàn Quốc. Thực tế này đang gợi mở vấn đề đưa sản phẩm thủy sản nước ta vào chuỗi cung ứng toàn cầu.
Thay đổi phương pháp đánh bắt
Lần đầu tiên, cá ngừ đại dương của Việt Nam được bán đấu giá trực tiếp tại Nhật Bản, giá cao hơn hẳn giá thu mua trong nước. Con có chất lượng khá nhất bán được giá tương đương 420.000 đồng/kg. Theo ông Nguyễn Hữu Hào, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Bình Định, nếu xử lý khi đánh bắt trên biển tốt hơn, giá cá còn có khả năng tăng gấp đôi.
Lô cá ngừ đưa đi đấu giá lần này được câu và xử lý theo công nghệ hiện đại của Nhật. Có 5 hộ ngư dân Bình Định được chọn để hỗ trợ ngư cụ câu cá ngừ đại dương, mỗi bộ trị giá 200 triệu đồng và mỗi tàu còn được hỗ trợ 50 triệu đồng để cải tiến hầm lạnh bảo quản cá.
Bộ câu cá ngừ của Nhật gồm máy câu tự động, rọ bắt, vòng tạo xung điện và các loại búa, dao, dùi, dây thép giết cá. Khi cá dính câu, máy câu tự động nới lỏng dây để cá bớt quẫy đạp. Khi cá mệt, được kéo vào gần tàu, thả “rọ” có những cái phao cao su sẽ bơm phồng ép con cá lại, không cho vùng vẫy; đồng thời, chụp vòng xung điện xuống đầu làm cho cá tê dại và đưa nhanh lên boong tàu. Dùng búa cao su đánh. Cắt vây đuôi. Dùng dao xả hết tiết cá (tiết ra càng nhiều, chất lượng thịt cá càng cao). Chọc tủy để cá tê liệt hoàn toàn và dùng dây thép xuyên qua hốc não, cá không cựa quậy được nữa. Sau đó mổ bụng, bỏ hết nội tạng, gắn thẻ ghi ngày khai thác rồi đưa vào hầm lạnh. Việc đưa cá vào hầm lạnh cũng phải tuân theo quy trình chặt chẽ. Mổ bỏ nội tạng xong, thân nhiệt cá còn khoảng 300C, đem rửa nước biển và cho vào thùng nước lạnh để thân nhiệt cá hạ thật thấp rồi mới đưa vào hầm lạnh bảo quản. Trước đây, con cá sau khi câu, ngư dân cho ngay vào hầm lạnh khiến thịt cá bị cháy lạnh, chất lượng càng bị giảm.
Các ngư dân tham gia thí nghiệm công nghệ đánh bắt mới vốn đã giỏi câu cá ngừ, còn được tập huấn kỹ thuật chu đáo, thế nhưng chuyến biển bắt được 37 con cá, qua kiểm tra, các chuyên gia Nhật chỉ chọn được 9 con nặng 448 kg đưa sang Nhật đấu giá. Phó Chi cục trưởng Chi cục Khai thác và Bảo vệ Nguồn lợi Thủy sản Bình Định, ông Trần Văn Vinh cho biết, thành công bước đầu đã mở ra hướng phát triển tốt đẹp; ngư dân rất hào hứng, quyết làm chủ công nghệ mới. Doanh nghiệp mua cá ngừ đại dương của ngư dân Bình Định là một đầu mối tiêu thụ cá ngừ lớn với gần 20 cửa hàng chuyên bán sản phẩm cá ngừ ăn sống ở Nhật, mỗi năm tiêu thụ khoảng 500 tấn. Khi cá ngừ nước ta vào được hệ thống cửa hàng Nhật cũng có nghĩa dễ dàng tham gia chuỗi cung ứng sản phẩm cá ngừ toàn cầu.
Chất lượng cá ngừ tốt sẽ dễ dàng tiêu thụ tại thị trường Nhật Bản – Ảnh: Xuân Trường
Liên kết trong sản xuất cá chình
Huyện Hồng Dân (tỉnh Bạc Liêu) mấy năm nay nổi lên là địa phương sản xuất giống và nuôi thâm canh cá chình năng suất cao. Nhờ sự giúp đỡ của Sở KH&CN Bạc Liêu, huyện đã lập Trại Thực nghiệm và Chuyển giao khoa học công nghệ từ hai năm nay, hợp tác với Viện Nghiên cứu Nuôi trồng Thủy sản 3, mỗi năm sản xuất khoảng 400.000 con giống. Riêng gia đình Bí thư Huyện ủy Võ Văn Út có cơ sở ương giống do con gái và con rể đều là kỹ sư nuôi thủy sản trông coi, năm 2013 sản xuất được 600.000 con giống, năm nay khoảng một triệu con.
Cá chình vớt ngoài biển có kích cỡ khoảng 6.000 con/kg, đem về ương dưỡng trong bể xi măng cho lớn lên. Trước đây, đạt cỡ 50 con/kg mới thả ra ao đất để nuôi. Hiện nay, ở huyện Hồng Dân đã thả ra ao đất nuôi được giống cỡ 200 con/kg, vì áp dụng các giải pháp kỹ thuật hỗ trợ.
Ở ĐBSCL, tỉnh Cà Mau nuôi cá chình từ lâu và có diện tích lớn nhất, nhưng chỉ nuôi quảng canh với mật độ thả giống 1 con/4 m2. Còn ở Hồng Dân thả giống 3 con/m2 và hiện nay có người thử nghiệm thả đến 10 con/m2, mật độ thâm canh cao gấp 40 lần ở Cà Mau. Với mật độ này, sau 4 tháng thu hoạch (bình thường một năm), trọng lượng cá nhỏ nhưng một năm nuôi được nhiều vụ. Bí thư Út đang hy vọng sẽ có hàng trăm hộ thâm canh cá chình ở Hồng Dân làm giàu bền vững.
Nhưng khi nuôi nhiều cá chình thì bán đi đâu? Để trả lời câu hỏi này, từ năm 2012 đến nay, huyện Hồng Dân đã hai lần cử đoàn cán bộ sang Hàn Quốc lo việc liên kết nuôi và chế biến, tiêu thụ cá chình. Hàn Quốc là thị trường tiêu thụ cá chình khá lớn nhưng nuôi khó khăn vì có nhiều tháng rất lạnh, phải nuôi trong nhà kính, giá thành cao. Kỹ thuật nuôi cá chình trong bể xi măng và nhà kính của Hàn Quốc cũng rất hiện đại, nhưng họ thua Hồng Dân kỹ thuật nuôi trong ao đất. Cơ hội liên kết mở ra từ đó, để phát huy lợi thế hai bên.
Phía Hàn Quốc lo nhà máy chế biến và thị trường tiêu thụ; Hồng Dân thành lập doanh nghiệp đối tác lo ương nuôi và địa điểm xây dựng nhà máy. Lúc đầu, nhà máy tính xây dựng ở Hồng Dân nhưng đường bộ chưa chạy được xe container và nhiều trắc trở khác nên tìm vị trí ở quận Phú Nhuận (TP Hồ Chí Minh) và trên đó lại có thêm một doanh nghiệp tiềm lực mạnh làm đối tác đầu tư nhà máy.
Chuyến sang Hàn Quốc của đoàn cán bộ Hồng Dân mới đây đã thống nhất kế hoạch xây dựng nhà máy, dự kiến năm 2015 đi vào hoạt động. Hồng Dân cũng đã cử 4 nhân viên Trại thực nghiệm sang Hàn Quốc tập huấn, chuẩn bị cho liên doanh nuôi và mua cá chình đáp ứng nhu cầu thị trường quốc tế, tại huyện Hồng Dân. Bí thư Út tính toán, công suất nhà máy mỗi ngày 5 tấn cá nguyên liệu, thời gian đầu ở Việt Nam chỉ đáp ứng khoảng hai phần, còn lại nhập từ Hàn Quốc. Dần dần, mở rộng vùng nuôi thâm canh ở Hồng Dân để đáp ứng. Sản phẩm chế biến tiêu thụ ở Việt Nam và Hàn Quốc, dần dần tham gia được vào chuỗi cung ứng toàn cầu.
>> TS Võ Hùng Dũng, Giám đốc Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam – Chi nhánh Cần Thơ: “Ngạc nhiên thấy nhiều người vẫn lo hướng dẫn nông dân làm ra nhiều nông sản như thế kỷ trước, trong khi nông sản hàng hóa đã thừa. Bức bách hiện nay là tham gia chuỗi cung ứng toàn cầu để bán được nông sản hàng hóa, đem lại thu nhập cao cho nông dân”. |