T2, 06/07/2020 11:13

Lai Châu: Nghề cá trên sông Đà

Chưa có đánh giá về bài viết

Hiện nay trên địa bàn huyện Nậm Nhùn, dọc theo sông Đà, nhiều hộ gia đình tận dụng diện tích mặt nước trong thời gian những tháng nước dâng cao, đã đầu tư thuyền, lưới để đánh bắt thủy sản để nâng cao thu nhập.

Khi màn sương sớm vẫn còn dày đặc trên mặt sông là thời điểm những ngư phủ trên dòng Đà Giang chèo thuyền đi thu lưới. Sau nhiều lần lỡ hẹn vì công việc bận rộn và cũng một phần do thời gian thu lưới vào sáng sớm nên đến sáng nay, cuối tuần rảnh rỗi tôi mới cùng anh Đoàn Văn Chiến và những anh em khác trong bản Phiêng Luông 1, xã Nậm Hàng đi kéo lưới trên sông Đà. Trong làn sương sớm, hình ảnh những chiếc thuyền nhỏ hiện ra với những người dân miền sơn cước đang hối hả kéo lưới.

Người dân Nậm Nhùn đánh bắt cá.

Vốn là xã vùng cao, chỉ sau khi có công trình Thủy điện Sơn La, hình thành vùng lòng hồ thì người dân nơi đây mới sắm thuyền, lưới để cất cá. Lòng hồ thủy điện có 2 mùa nước là mùa nước nổi và mùa nước cạn. Công việc đánh bắt thủy sản ở đây chỉ thực hiện được vào mùa nước nổi kéo dài khoảng 5 tháng/ năm. Ngồi trên thuyền, tôi đếm được tới 4 loại lưới và 1 loại đó – công cụ mà anh Chiến và những người dân ở đây dùng để bắt tôm, cá. Có loại chỉ giăng trên mặt nước để bắt cá chép, có loại lại thả xuống lòng sông để bắt cá trắm, cá nheo… Điều đặc biệt là địa hình ở khu vực này đã hình thành nên một vùng lòng hồ rộng lớn, người dân có thể thả lưới suốt ngày đêm mà không ảnh hưởng đến việc đi lại của thuyền bè trên sông.

Anh Chiến và người dân nơi đây cho biết: “Những năm trước, lòng hồ nhiều cá hơn, có ngày thu lưới được hàng chục kilôgam, chủ yếu là cá lăng, cá nheo, cá trắm, cá chép, cá mè và tôm. Có những khi cất lưới được những con cá trắm, cá chép nặng cả yến”.

Cá cất lên sẽ được bán vào buổi sáng cho các nhà hàng, quán ăn hay người dân trong bản. Có ngày thu về được cả chục kilôgam cá, đem bán cũng thu được 600 – 700.000 đồng, có ngày lại chẳng được con nào. Nhưng tính trung bình, mỗi ngày cũng thu nhập được 200 – 300.000 đồng, góp phần tăng thêm thu nhập cho các hộ gia đình.

Được biết, nhằm giúp Nhân dân khai thác diện tích mặt nước của vùng lòng hồ thủy điện một cách hiệu quả, ngoài việc phát triển nghề đánh bắt thủy sản, huyện cũng đã có chủ trương khuyến khích phát triển nuôi trồng thủy sản và gia cầm. Tuy nhiên, để có thể phát triển nghề nuôi cá lồng một cách bền vững vẫn rất cần có sự vào cuộc của các cơ quan chức năng trong triển khai các mô hình thí điểm; quy hoạch xây dựng cơ sở sản xuất các giống cá truyền thống như: trắm, chép, mè, rô phi; mở các lớp tập huấn chuyển giao kỹ thuật sản xuất cho Nhân dân…

Quý Nam

Báo Lai Châu

Bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Hãy là người đầu tiên bình luận trong bài
error: Content is protected !!