Chuẩn bị vào kỳ thu hoạch thì bất ngờ ngao chết hàng loạt làm cho các hộ dân nuôi ngao ở Cẩm Lĩnh (Cẩm Xuyên – Hà Tĩnh) lao đao. Hàng tấn ngao ngoi lên mặt cát chết trắng cả một vùng. Nhiều hộ nuôi ngao trắng tay sau một năm xuống giống, thiệt hại hàng tỷ đồng.
Tại vùng biển bãi ngang Cẩm Lĩnh dưới cái trưa nắng oi nồng tháng 5, chúng tôi chứng kiến hiện tượng ngao chết chất cao từng đống, trắng cả một vùng. Trên bãi cát là những con ngao chết há vỏ ngoi lên mặt cát. Nhiều người dân đang dùng tay đào bới vớt xác ngao. Chị Thủy – một lao động vớt xác ngao cho biết: “chưa bao giờ tui thấy ngao chết nhiều như thế. Hàng ngày ở đây có hơn cả chục người được thuê ra đây vớt vỏ ngao. Mỗi ngày chị em chúng tôi vớt được cả tạ ngao chết, đến nay hơn 15 ngày rồi mà vẫn chưa hết”.
Ngao chết trắng cả vùng nuôi
Gặp chủ đầm ngao Thái Văn Thương ở thôn 1 xã Cẩm Lĩnh bị thiệt hại nặng nề nhất khi anh đang cố vớt vát những gì còn sót lại trên đầm ngao của mình. Với bộ mặt ảm đạm anh Thương ngán ngẩm kể: Tôi là người nuôi ngao đầu tiên ở cái vùng này, đến nay đã ngót ngét 8 năm trong nghề. Trước đây chưa có kinh nghiệm nên không dám đầu tư, mỗi năm tôi chỉ dám bỏ ra vài chục triệu mua con giống về thả kiếm thêm thu nhập. Thế rồi bước vào vụ ngao này hai vợ chồng quyết định huy động một nguồn vốn lớn để đầu tư cho con ngao. Với số tiền hơn 150 triệu đồng tích góp được cùng với vay mượn thêm người thân, tôi “khăn gói” ra Thanh Hóa mua giống về thả. Bắt đầu từ tháng 6 – 2010 anh thả hơn 2 tấn ngao giống trên diện tích 2 ha. Sau gần một năm quản lý, anh Thương ước tính sẽ cho thu nhập khoảng 600 triệu đồng từ con ngao. Không ngờ chỉ còn vài tháng nữa đến kỳ thu hoạch thì những con ngao “lăn ra” chết hàng loạt. Thế là trắng tay!
Khác với hoàn cảnh anh Thương, ông Phan Văn Minh ở thôn 10 xã Cẩm Lĩnh buồn rầu cho biết: Thấy người ta nuôi ngao cho thu nhập khá, tôi cũng mần theo. Bàn bạc với vợ vay 20 triệu đồng tiền ngân hàng để đầu tư nuôi ngao. Sau bao ngày xuống giống là bấy nhiều ngày lo lắng cho đến ngày thu hoạch. Tui chỉ mong năm đầu tiên làm sao có lãi để trả được nợ ngân hàng. Thế mà bao nhiêu hi vọng đều đổ xuống biển hết, ra đầm nhìn những con ngao chết lòng tui quặn lại. Nghèo lại vẫn hoàn nghèo!
Vớt vát những con ngao ít ỏi còn sống sót
Mặc dù một số chủ đầm ngao cố gắng vớt vát được ít từ thu hoạch ngao non. Tuy nhiên việc vớt vỏ ngao chết tại các đầm cũng khiến cho nhiều chủ đầm tốn kém không ít tiền. Theo anh Thương thì mỗi ngày anh phải thuê 4 – 5 lao động cào vỏ ngao chết, mỗi lao động anh trả công 100 – 150 nghìn đồng/ngày. Từ lúc ngao chết đến nay tính ra gần cả tháng trời anh phải bỏ tiền ra thuê lao động mà vẫn chưa cào hết. Giờ thì không còn tiền để thuê nữa phải tự mình làm thôi – anh Thương cho biết.
Hiện tượng ngao chết tại vùng nuôi Cồn Vạn xã Cẩm Lĩnh (Cẩm Xuyên) được cơ quan chức năng cùng chính quyền địa phương tiến hành kiểm tra cho thấy hơn 10 ha diện tích ngao bị chết với số giống thả nuôi 19,1 tấn của 6 hộ nuôi. Hiện tương ngao chết rải rác trong những ngày trước đó, sau đó tỉ lệ chết của ngao tăng cao, chiếm đến 70 – 90%. Ước tính sau một năm thả nuôi vụ ngao này sẽ cho thu hoạch gần 120 tấn, mang lại giá trị thu nhập khoảng hơn 3 tỷ đồng cho các hộ nuôi.
Theo nhận định cơ quan chuyên môn thì nguyên nhân dẫn đến hiện tượng ngao chết hàng loạt là do điều kiện vệ sinh thú y không đảm bảo. Điều đó được thể hiện trong những năm gần đây, đặc biệt là 2 năm nay có hiện tượng ngao chết nhiều vào tháng 2, 3 âm lịch. Trong khi đó người nuôi ngao không vệ sinh làm sạch bãi nuôi sau mỗi kỳ thu hoạch ngao trước khi thả giống đợt nuôi kế tiếp. Ngoài ra, một số hộ có mật độ nuôi ngao quá cao, gần 200 con/m2, cở 30 – 50 con/kg. Mặt khác theo người dân cho biết gần đây có hiện tượng nước biển có màu đỏ, dầu nhờn bắt nguồn từ phía thi công cầu Cẩm Lĩnh. Những nguyên nhân trên tác động xấu đến sức khỏe của ngao và dẫn đến chết.
Những con ngao sống sót đều chưa đến mùa thu hoạch
Ông Trần Đắc Đại – Phó phòng NN-PTNT huyện Cẩm Xuyên cho biết: huyện đã tiến hành chỉ đạo các chủ đầm ngao tích cực vớt ngao chết ra xa khu vực nuôi nhằm bảo vệ môi trường. Các hộ nuôi cần khẩn trương thu hoạch số ngao còn sống đã đạt kích cỡ thương phẩm, đồng thời di chuyển số ngao còn nhỏ sang khu vực thuận lợi và tiếp tục vệ sinh khu vực nuôi. Về lâu dài các chủ đầm nuôi cần làm sạch bãi nuôi, cải tạo bãi nuôi đúng quy trình kỹ thuật, đặc biệt nguồn giống phải được kiểm dịch và thả đúng mật độ theo quy định.
Ngao chết hàng loạt, người dân trắng tay. Những chủ đầm ngao bị thiệt hại đang ngóng chờ chính sách hỗ trợ để có cơ hội tiếp tục đầu tư bước vào vụ nuôi mới.
HỮU TRUNG
Theo Báo Hà Tĩnh
|