Lãi cao từ nuôi lươn mùa nước nổi

Chưa có đánh giá về bài viết

Người nuôi lươn trong hồ xi măng và bồn lót bạt mùa nước nổi ở huyện Tam Nông (tỉnh Đồng Tháp) đang phấn chấn khi thu hoạch lươn bán được giá cao.

Hồ nuôi lươn được thiết kế đơn giản bằng cách xây tường xi măng lên cao 1 m trên một khoảng sân trống hình chữ nhật.

Bà Mã Thị Bông (62 tuổi, ấp An Phú, xã An Long) tận dụng diện tích đất trống quanh nhà, xây dựng 6 cái hồ trên diện tích 120 m2. Phía đáy hồ, bà Bông cho phủ một lớp bùn cao khoảng 1 tấc rồi bơm nước vào hồ và thả lươn giống vào nuôi. Bốn góc dưới đáy hồ, bà trang bị bốn bó cây dùng để thức ăn cho lươn. Mặt nước hồ được phủ kín bởi một mảng lục bình và cây bắp sau thu hoạch… để tạo bóng mát cho lươn có nơi bám vào nghỉ ngơi, trú ẩn. Mỗi góc hồ dành một khoảng trống nhỏ để bỏ thức ăn cho lươn.

Nhiều hộ dân lãi cao nhờ nuôi lươn mùa nước nổi – Ảnh: Tr. Trung

Thức ăn cho lươn được bà Bông sử dụng chủ yếu là thức ăn viên công nghiệp nhiều đạm và thức ăn là cá tạp, cua, ốc bươu vàng nấu chín. Lúc đầu, bà Bông thả lươn giống vào một bồn ương nuôi. Một tháng sau, bà tuyển chọn những con lươn khỏe mạnh được ương nuôi trong môi trường khắc nghiệt rồi thả vào 6 bồn để nuôi đại trà và tăng lượng thức ăn lên theo quá trình tăng trưởng của lươn. Bà Bông thay nước bồn nuôi lươn mỗi ngày và chăm sóc đàn lươn chu đáo nên đàn lươn tăng trọng nhanh, hạn chế dịch bệnh tấn công… Cuối tháng 7/2014, bà Bông cho tát hồ, thu được hơn 1.200 kg lươn thương phẩm, bán giá bình quân 123.000 đồng/kg; trừ chi phí đầu tư và công chăm sóc, còn lãi hơn 30 triệu đồng. “Tôi đang nuôi tiếp 8.200 con lươn giống trong 9 bồn xi măng. Đàn lươn nuôi của tôi được chăm sóc cẩn thận, phát triển tốt, không hề có dấu hiệu bệnh…” – Bà Bông nói. Năm nay, gia đình bà Bông xây thêm 3 bồn nữa để tăng số lượng lươn nuôi. Mùa nước này ốc rẻ, cá mồi cũng rẻ nên chi phí nuôi cũng giảm; mỗi ngày chỉ cần cho ăn một lần, vào buổi chiều. 

Gia đình anh Lê Văn La (ấp An Phú, xã An Long) thả 3.500 con lươn giống ương nuôi trong 7 hồ xi măng. Tháng 8/2014, anh La tát bồn, thu hoạch hơn 1,4 tấn lươn thương phẩm, bán 128.000 đồng/kg; trừ chi phí đầu tư và công chăm sóc, còn lãi hơn 40 triệu đồng. Gia đình anh La đã xây thêm 5 bồn xi măng và đang thả nuôi hơn 7.000 con lươn giống trong 12 bồn xi măng cạnh nhà. Đến thời điểm này đàn lươn đã đạt trọng lượng bình quân 200 g/con. Anh La bày tỏ: “Nuôi lươn trong tháng mùa nước này thì lợi dụng nguồn nước thiên nhiên, thứ nhất là cá, thứ nhì là nhờ nước dâng cao, đồng ngập gốc rạ nên nhiều ốc bươu vàng – thức ăn cho lươn. Chi phí thức ăn cũng rẻ hơn hồi đầu năm nên lãi càng nhiều hơn. Mô hình nuôi lươn kiểu này giúp lươn khỏe, vàng, dễ bán…”.

Ông Lê Phước Thiện – Phó Chủ tịch Hội Nông dân huyện Tam Nông cho biết: “Nuôi lươn mùa lũ này ở Tam Nông dễ đạt hiệu quả cao, bởi lươn ít dịch bệnh, giá thị trường ổn định, dễ tiêu thụ. Giá lươn hiện nay bán ra 147.000 – 160.000 đồng/kg, nông dân thu lãi cao. Thời gian tới, Hội Nông dân cơ sở sẽ vận động nhân rộng  mô hình nuôi lươn  mùa nước nổi, giúp có thêm việc làm, nâng cao thu nhập, giảm nghèo bền vững”.

>> Toàn huyện Tam Nông có 62 hộ đang nuôi hơn 130.000 con lươn trong 216 hồ xi măng, bồn lót bạt… Tập trung nhiều tại các xã An Long, Phú Thọ, Phú Thành A, Phú Thành B. Chỉ riêng xã An Long đã có hàng chục hộ nuôi lươn trong hồ xi măng mùa lũ, với tổng diện tích mặt nước hơn 3.000 m2.

Trần Trọng Trung

Bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Hãy là người đầu tiên bình luận trong bài
error: Content is protected !!