Nhật Bản là một thị trường khắt khe với con tôm, một sản phẩm ưa thích của người dân xứ hoa anh đào; theo đó, họ luôn muốn đảm bảo chất lượng tốt nhất, an toàn nhất.
Không ăn tôm không phải người Nhật
Trong văn hóa ẩm thực của người Nhật thì tôm và cá ngừ là những món khoái khẩu phổ biến. Người ta nói vui rằng cứ 10 người Nhật thì 8 người thích ăn món tôm chiên xù. Người Nhật cầu kỳ trong nấu ăn và thích vật liệu tươi sống nhưng chế biến pha trộn tạo nên nhiều mùi vị màu sắc khác nhau, nên các món như tôm lăn bột, tôm chiên giòn được ưa chuộng. Ẩm thực của Nhật chủ yếu là các món hải sản và Nhật phải nhập 50% nguyên liệu để chế biến các món ăn hàng ngày. Nhiều nước cung cấp thủy hải sản cho Nhật Bản trong đó nổi bật là Trung Quốc, Thái Lan, Việt Nam, Indonesia…
Năm ngoái, dù kinh tế khó khăn và giá tôm tăng chóng mặt nhưng Nhật Bản vẫn nhập khẩu tới 534.302 tấn tôm, giá trị 2,999 tỷ USD. Nửa đầu năm nay 2014, Nhật Bản vẫn nhập khẩu hàng tỷ USD tôm để tiêu dùng. Thống kê cho thấy, năm 2013, giá tôm nhập khẩu vào Nhật Bản tăng 30% so với năm 2012. Năm 2014, giá tôm trung bình tiếp tục tăng 48% . Người Nhật Bản vẫn “thắt lưng buộc bụng” để ăn món tôm sở trường.
Không giống ai!
Nếu nỗi ám ảnh của người Nhật đó là ô nhiễm thực phẩm, khi nhiều món ăn sử dụng nguyên liệu tươi sống, thì nỗi ám ảnh của các nhà xuất khẩu vào Nhật là hàng rào các tiêu chuẩn không giống ai của họ. Người Nhật có thể đưa ra những tiêu chuẩn vệ sinh an toàn thực phẩm cao hơn rất nhiều lần so với các nước tiên tiến khác, như một câu chuyện hằng ngày.
Việt Nam chính là một trong những “nạn nhân” của các yêu sách vệ sinh thực phẩm riêng biệt của người Nhật. Liên tục nhiều năm, tôm xuất khẩu Việt Nam lao đao vì tiêu chuẩn “sạch” của Nhật.
Chẳng hạn, Nhật Bản đã kiểm soát 100% Trifluralin trong tôm Việt Nam từ tháng 10/2010. Từ tháng 6/2011, Nhật Bản kiểm tra dư lượng chất này đối với tất cả các lô tôm Việt Nam. Năm 2012, Nhật lại đưa vấn đề chất Enrofloxacin. Tháng 5/2012, Nhật Bản kiểm tra Ethoxyquin trong tôm Việt Nam. Kháng sinh Oxytetracycline cũng được Nhật Bản đưa vào tầm ngắm và đã chính thức kiểm tra chỉ tiêu Oxytetraxycline với tôm nhập khẩu từ Việt Nam từ đầu năm 2014.
Mỗi lần phía Nhật đưa ra những “hàng rào” dư lượng kháng sinh trong con tôm, giá tôm nguyên liệu sụt giảm, người nông dân lo ngại nên cắt giảm sản lượng nuôi trồng, các nhà xuất khẩu đi tìm thị trường khác.
Để “vượt hàng rào” vào Nhật Bản không phải việc dễ với nhiều doanh nghiệp xuất khẩu tôm Việt Nam – Ảnh: An Đăng
Người nông dân xem những “hàng rào” dư lượng kháng sinh chẳng khác gì những trận bão mà mỗi lần nó quét ngang vùng tôm thì để lại những sự hoang tàn, ngán ngẩm. Các loại kháng sinh bị kiểm tra đều trong diện được phép sử dụng chống dịch bệnh, còn tồn dư trong con tôm ra sao, họ không dễ gì biết được. Người ta thường truyền tai nhau kinh nghiệm là “dừng sử dụng kháng sinh một thời gian, ngay trước khi thu hoạch”. Trong khi đó, các chủ trại tôm nói: “thuốc vi sinh thì đắt đỏ và bị làm giả quá nhiều, không có tác dụng phòng chữa bệnh cho tôm”.
Cùng nhau tháo gỡ
Nhật không phải nước bảo thủ và văn hóa Nhật nổi tiếng nhờ nó biết mở cửa và tiếp thu những cái hay từ bên ngoài mà vẫn giữ được bản sắc riêng. Với thị trường tôm cũng vậy, Nhật đưa ra những hàng rào khắt khe, nhưng sẵn sàng dỡ bỏ nó khi các tiêu chuẩn an toàn được đáp ứng. Mặt khác, với tính chung thủy nổi tiếng của mình, người Nhật Bản vẫn thường tín nhiệm những bạn hàng lâu năm, kể cả khi họ gặp nhiều khó khăn.
Trong xu hướng thủy sản thế giới cạnh tranh về giá, người ta cho rằng Việt Nam sẽ đánh mất ưu thế chất lượng trước ưu thế giá của tôm Ấn Độ và tôm Indonesa. Dự báo này đã không đúng. Năm 2013, Việt Nam đạt kim ngạch xuất khẩu tôm thẻ chân trắng 434,20 triệu USD (tăng 9,3% so với năm 2012); bên cạnh đó, Nhật còn tiêu thụ khá nhiều tôm sú bản địa của Việt Nam. Với thuế suất 0%, thị trường Nhật đem lại cho phía Việt Nam kim ngạch khoảng 700 triệu USD mỗi năm.
Năm 2014, sau khi số lô tôm nhiễm Oxytetracycline vượt quá ngưỡng cho phép là 0,2 ppm giảm, từ 4 lô trong tháng 3 xuống còn 1 lô trong tháng 4, tôm Việt Nam được phía Nhật đánh giá cao và phục hồi thị trường. Tuy vậy, nhìn chung, xuất khẩu sang Nhật vẫn luôn trong tình trạng thiếu sự ổn định cần thiết. 4 tháng đầu năm 2014, nhập khẩu tôm Việt Nam vào Nhật Bản tăng 31,9% về giá trị nhưng khối lượng giảm 40,2%.
Những hàng rào “Stop” của Nhật chắc chắn ảnh hưởng đến thương mại của cả đôi bên và nó không phản ảnh đúng xu thế của thị trường thế giới. Kết thúc tháng 8/2014, giá trị xuất khẩu tôm của Việt Nam sang Nhật Bản chỉ tăng 5,2%, trong khi Việt Nam xuất khẩu sang EU tăng 96,2%, sang Trung Quốc tăng 32,4% và xuất khẩu tôm sang Hàn Quốc cũng tăng 99,6% so với cùng kỳ năm 2013. Lúc này, phía Việt Nam và Nhật Bản cần ngồi lại để tìm những giải pháp cùng thúc đẩy kim ngạch xuất khẩu tôm từ nay đến cuối năm để phục vụ nhu cầu của người dân Nhật Bản trong dịp mùa xuân.