(Thủy sản Việt Nam) – Việc phát triển nuôi cá lồng trên biển đã mang lại nguồn lợi lớn cho Hải Phòng. Song đi liền với đó là vấn đề ô nhiễm, đặc biệt là ô nhiễm môi trường… Do vậy, yêu cầu bức thiết đặt ra là giải pháp phát triển nuôi trồng hải sản bền vững đi đôi với bảo vệ môi trường.
Thực trạng nuôi trồng thủy sản
Hải Phòng có 29.950 ha diện tích tiềm năng cho nuôi trồng thủy sản (NTTS), trong đó vùng bãi triều ven biển là 11.020 ha, mặt nước biển (eo, vũng, vịnh…) là 16.430 ha, diện tích nuôi kết hợp trong rừng ngập mặn là 2.500 ha.
Tuy nhiên, qua điều tra, diện tích NTTS có hiệu quả chỉ khoảng 17.500 ha (chiếm 58,4% tổng diện tích tiềm năng). Trong đó, Cát Hải có diện tích lớn nhất với 9.500 ha (chiếm 54,3%), Tiên Lãng có 4.000 ha (chiếm 9,0%), Dương Kinh có 30 ha (chiếm 0,2%), Hải An có 1.320 ha (chiếm 7,5%), huyện đảo Bạch Long Vĩ có 320 ha (chiếm 1,8%).
Việc phát triển nuôi cá trên biển của Hải Phòng bắt đầu từ những năm 1990, bước đầu mang lại hiệu quả kinh tế cao, có thể hình thành một nghề cho ngư dân đi biển. Sau năm 2005, khi có Quyết định 126/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về một số chính sách khuyến khích phát triển nuôi thủy hải sản trên biển và hải đảo, nghề nuôi cá lồng bè ở Hải Phòng có bước phát triển mạnh, tập trung chủ yếu ở huyện Cát Hải. Năm 2006, toàn huyện có tổng số 531 lồng bè, sản lượng nuôi đạt 974 tấn; đến năm 2010, số lồng bè đã tăng lên là 588, sản lượng nuôi đạt 2.670 tấn, thu hút 2.500 lao động. Ngoài ra, ngư dân còn phát triển nuôi nhuyễn thể trên biển trong các vũng, vịnh bao gồm 693 mảng tre, 89 bãi (300 ha) nuôi.
Mô hình nuôi kết hợp đa đối tượng đang được TP Hải Phòng nhân rộng Ảnh: Huy Hùng
Quản lý chưa theo kịp tốc độ phát triển
Theo thống kê, hiệu quả của nghề nuôi cá biển đem lại cho Hải Phòng tương đối cao. Tiêu biểu như ở Cát Bà, số hộ nuôi biển có thu nhập trên 50 triệu đồng chiếm 10 – 15%, từ 20 – 50 triệu đồng chiếm 30 – 35%, từ 5 – 20 triệu đồng chiếm 40 – 50%, số hộ không có thu nhập, hòa vốn hoặc bị lỗ thấp chỉ khoảng 3 – 5%.
Việc nuôi hải sản biển, đặc biệt là cá lồng bè tăng nhanh, tuy nhiên công tác quản lý nhà nước chưa theo kịp với tốc độ phát triển. Hải Phòng chưa có quy định về quản lý phát triển nuôi trồng thủy sản, chậm quy hoạch chi tiết phát triển NTTS. Do đó, NTTS phát triển còn mang tính tự phát, người nuôi thiếu hiểu biết về kỹ thuật, cơ sở hạ tầng và dịch vụ còn nhiều hạn chế, vì vậy đã gây tác động không nhỏ đến môi trường, bệnh dịch phát sinh, tỷ lệ rủi ro cao, phát triển thiếu bền vững. Bên cạnh đó, phát triển NTTS thiếu quy hoạch đã làm ảnh hưởng đến các hoạt động của ngành, các lĩnh vực khác, làm mất cảnh quan trong hoạt động du lịch, thu hẹp hành lang an toàn giao thông đường thủy, ảnh hưởng đến các tàu ra vào cảng, đến khu vực neo đậu tránh trú bão của tàu, thuyền. Mặt khác, nguồn giống phục vụ cho nhu cầu phát triển nuôi biển của tỉnh cũng chưa chủ động được. Sản xuất giống còn yếu kém, số lượng ít, hiệu quả thấp và không ổn định. Công tác kiểm dịch, kiểm tra chất lượng giống thủy sản còn hạn chế, quản lý dịch vụ, thú y thủy sản vẫn yếu. Cơ sở hạ tầng và dịch vụ hậu cần cho NTTS, nhất là điện phục vụ cho nuôi lồng bè chưa có. Công tác khuyến ngư còn hạn chế, chưa xây dựng được chương trình khuyến ngư gắn với mục tiêu chuyển đổi cơ cấu sản xuất giống trong nông nghiệp – thủy sản…
Giải pháp phát triển bền vững
Để phát triển NTTS bền vững gắn liền với bảo vệ môi trường sinh thái và du lịch, Hải Phòng đã xây dựng quy hoạch để quản lý và phát triển. NTTS trên vùng biển đến năm 2015, định hướng đến năm 2020 được thành phố chỉ đạo tại Thông báo số 110/TB-UBND ngày 13/4/2010: “Tập trung trong quý II/2010, hoàn thành quy hoạch việc nuôi cá lồng bè theo hướng gắn kết với phát triển du lịch và nuôi trồng thủy sản; giảm tối đa chỉ để ở mức 5.000 – 6.000 ô lồng; không để các nhà bè, mảng tre nuôi thủy hải sản trong các khu vực có hoạt động du lịch”. Đồng thời, Hải Phòng đã có nhiều giải pháp cụ thể về cơ chế chính sách phát triển nuôi biển, như bổ sung văn bản quy phạm pháp luật về giao, thuê mặt nước biển. Đặc biệt là chính sách hỗ trợ đầu tư phát triển NTTS trên biển. Hệ thống cơ sở hạ tầng phục vụ NTTS cũng được phát triển. Đặc biệt, Hải Phòng quan tâm tới giải pháp về bảo vệ môi trường và bảo vệ sinh học bằng việc xây dựng và thực hiện những quy định về gìn giữ môi trường và cảnh quan, sử dụng công nghệ vật liệu mới trong sản xuất và sinh hoạt, triển khai ứng dụng các đề tài công nghệ sinh học; Xây dựng mô hình nuôi kết hợp đa đối tượng, tăng hiệu quả sử dụng mặt nước, đảm bảo mọi hoạt động xã hội cũng như đảm bảo tính ổn định của nghề nuôi biển.
>> Ứng dụng mô hình nuôi kết hợp nhiều đối tượng thủy hải sản theo hướng bền vững tại vùng biển Cát Bà – Hải Phòng được thực hiện trong thời gian 18 tháng (6/2008 – 12/2009). Kết quả nghiên cứu đã xây dựng thành công 3 mô hình nuôi ghép các đối tượng có giá trị kinh tế đang được nuôi phổ biến tại vùng biển Hải Phòng, Quảng Ninh. Mô hình 1: nuôi ghép cá song, cá giò với tu hài, vẹm xanh, rong nho; Mô hình 2: nuôi ghép cá song, cá giò, vẹm xanh, hàu biển và rong nho; Mô hình 3: nuôi ghép cá vược, cá hồng mỹ, tu hài, hàu biển và rong nho. Các đối tượng nuôi ghép đều sinh trưởng tốt, tỷ lệ sống tương đối cao.
Anh Vũ