Thủy sản Minh Phú: Mỗi năm tiết kiệm hàng tỷ đồng tiền điện

Chưa có đánh giá về bài viết

Với những quyết định đầu tư mạnh tay và táo bạo về công nghệ như sử dụng bóng đèn Led thay cho 2.500 bộ đèn huỳnh quang; đầu tư và đưa vào sử dụng hệ thống cấp đông siêu tốc; sử dụng nồi hơi nhiên liệu sinh khối (năng lượng tái tạo) Biomass; Tập đoàn Thủy hải sản Minh Phú mỗi năm tiết kiệm được hàng tỷ đồng tiền điện và dầu DO.

Từ sử dụng đèn Led

Tập đoàn Thủy sản Minh Phú được biết đến là doanh nghiệp số một Việt Nam về xuất khẩu thủy sản khi đạt kim ngạch xuất khẩu tới hơn 730 triệu USD trong năm 2014, đây là doanh nghiệp duy nhất của Việt Nam đứng thứ 23 trong tổng số 100 doanh nghiệp thủy sản lớn nhất toàn cầu. Có được kết quả này một phần do Minh Phú đã tiết kiệm chi phí sử dụng điện, sử dụng năng lượng một cách tiết kiệm và hiệu quả. Cụ thể, Minh Phú mạnh dạn đầu tư sử dụng bóng đèn Led thay cho đèn huỳnh quang trong chiếu sáng nhà xưởng chế biến, sử dụng thiết bị cấp đông siêu tốc tiết kiệm điện, sử dụng nhiên liệu sinh khối Biomass…

Lý giải cho quyết định thay thế bóng đèn huỳnh quang bằng bóng đèn Led, ông Thái Hoàng Hùng, Phó Tổng giám đốc Tập đoàn tính toán chi tiết như sau: Nếu chỉ nhìn qua về chi phí đầu tư ban đầu thì đèn Led lớn hơn. Cụ thể, chi phí đầu tư bóng đèn huỳnh quang với số lượng 2.500 bộ đèn (mỗi bộ có giá 480.000 đồng gồm giá bóng, giá máng…) chỉ tốn 1,2 tỷ đồng. Còn đầu tư 2.500 đèn Led thì mất 2,8 tỷ đồng (Giá bóng đèn Led 250,000 vnđ/bóng; giá máng đèn kín nước paragon là: 620,000 vnđ/bộ; giá một bộ đèn Led + máng paragon: 250,000 x 2 + 620,000 = 1,120,000 vnđ/bộ; Tổng chi phí đầu tư 2,500 bộ đèn Led: 1,120,000 x 2,500 = 2,800,000,000 vnđ).

Sử dụng đèn Led giúp tiết kiệm điện hiệu quả tại các nhà xưởng của Minh Phú

Tuy chi phí đầu tư cho bóng đèn Led lớn hơn nhưng lợi ích tiết kiệm điện đem lại nhờ đèn Led lại hiệu quả hơn. Cụ thể, chi phí tiền điện phải trả khi dùng bóng đèn Led trong 1 năm chỉ là 847 triệu đồng (Công suất tiêu thụ điện thực tế bóng đèn Led: 18Wh; giả định 1 ngày làm việc 18 giờ (chia làm 2 ca sản xuất); lượng điện tiêu thụ trong 1 năm: 18 x 5,000 x 18 x 360 = 583,200 kWh; giá điện bình quân hiện nay: 1,500 vnđ/kWh; chi phí tiền điện phải trả trong 1 năm: 583,200 x 1,500  = 874,800,000 vnđ). Trong khi đó, theo tính toán, chi phí tiền điện vì sử dụng đèn huỳnh quang trong 1 năm hoạt động sản xuất – kinh doanh của Minh Phú lại lên tới trên 2,3 tỷ đồng (Công suất tiêu thụ điện thực tế bóng đèn 48W/h; giả định 1 ngày làm việc 18 giờ (chia làm 2 ca sản xuất); lượng điện tiêu thụ trong 1 năm: 48 x 5,000 x 18 x 360 = 1,555,200,000Wh = 1,555,200 kWwh; đơn giá điện bình quân 1,500 vnđ/kWh; Chi phí tiền điện trong 1 năm: 1,555,200 x 1,500  = 2,332,800,000 vnđ).

“Riêng việc sử dụng bóng đèn Led so với bóng đèn huỳnh quang trong 1 năm giúp chúng tôi tiết kiệm được 1,458 tỷ đồng tiền điện (2,332,800,000 – 874,800,000 = 1,458,000,000 vnđ/năm). Có nghĩa 1 tháng, Minh Phú chúng tôi tiết kiệm được 121 triệu đồng tiền điện” – Ông Lê Văn Quang, Chủ tịch kiêm Tổng giám đốc Tập đoàn Thủy sản Minh Phú cho hay.

Theo ông Thái Hoàng Hùng, điểm đặc biệt trong việc áp dụng hình thức này chính là thời gian thu hồi vốn cho đầu tư đèn Led chỉ 13 tháng (121,500,000 x 13 = 1,579,500,000 vnđ) vì nhờ tiền điện tiết kiệm được. “Bóng đèn LED không hư hỏng đột xuất nên không tốn chi phí bào trì sửa chữa thay thế thiết bị hàng tuần như đèn huỳnh quang; không suy giảm độ phát quang theo thời gian sử dụng; đèn LED có tuổi thọ cao gấp từ 10 lần so với đèn huỳnh quang, bóng Led không tỏa bức xạ nhiệt làm ảnh hưởng đến môi trường như các loại đèn khác. Ngoài việc thân thiện với môi trường, LED còn an toàn đối với người sử dụng, phù hợp với các tiêu chuẩn công nghiệp dành cho các ngành thực phẩm vì vỏ của đèn LED được làm bằng chất dẻo tổng hợp cho nên hoàn toàn không bị bể, vỡ khi bị ngoại lực tác động, do đó không sợ vật lạ của đèn lẫn vào sản phẩm. Đặc biệt, do hệ số tỏa nhiệt thấp nên giảm chi phí năng lượng điện chạy điều hòa. Nên lợi ích đem lại lại càng lớn” – ông Thái Hoàng Hùng nói.

 

Đến sử dụng năng lượng tái tạo

Đấy là đèn Led, còn về hệ thống cấp đông vốn “ngốn” nhiều năng lượng nhất cũng được Tập đoàn mạnh dạn đầu tư, thay thế.

Cụ thể, thiết bị cấp đông nhanh IQF truyền thống trước đây ngoài kích thước phòng cấp đông dài chiếm diện tích lớn, mất năng lượng bởi tổn thất ra môi trường xung quanh, thời gian cấp đông với cùng loại sản phẩm trung bình 14 phút (cho tôm PTO size 16/20). Còn với thiết bị cấp đông IQF siêu tốc mà Minh Phú đầu tư, áp dụng thì thời gian cấp đông sẽ được rút ngắn còn lại 5 phút. Bên cạnh đó, IQF siêu tốc kết hợp thiết bị phụ trợ LVS + hệ thống xả tuyết bằng khí nén, máy nén được thiết kế phù hợp và được lập trình nhằm phát huy hết khả năng thiết bị giảm thiểu tối đa công suất vô công” – lãnh đạo Tập đoàn thủy sản này cho hay.

“Lợi ích mà thiết bị cấp đông IQF siêu tốc và IQF siêu tốc có LVS + lập trình điều khiển phù hợp đem lại là thời gian cấp đông ngắn xuống còn 4,5 đến 5 phút; tỷ lệ hao hụt sản phẩm khi cấp đông dưới 1%; điện năng tiệu thụ thấp hơn khoảng 21 – 28%; sản phẩm cấp đông đạt chất lượng tốt hơn do thời gian cấp đông nhanh trong điều kiện ổn định; thời gian hoạt động có thể kéo dài đến 20 giờ hoạt động liên tục mới ngưng máy xả tuyết” – ông Lê Văn Quang hứng khởi cho biết.

Cùng đó, một điểm đáng chú ý là Tập đoàn này đã đầu tư số tiền khủng vào việc thay thế và sử dụng nồi hơi sử dụng nhiên liệu sinh khối Biomass. Năm 2013, trung bình 460,848 vnđ/tấn thành phẩm (sử dụng dầu DO) thì năm 2014 trung bình là 282,165 vnđ/tấn thành phẩm (khi sử dụng Biomass thay dầu DO). Như vậy, trung bình Minh Phú tiết kiệm được 460,848 – 282,165, = 178,683,vnđ/tấn sản phẩm, tương đương tiết kiệm khoảng 45%.

Việc đưa vào sử dụng lò hơi Biomass nhiên liệu sinh khối cùng các hệ thống tiết kiệm năng lượng khác giúp tiết kiệm chi phí tại Minh Phú

Ông Thái Hoàng Hùng cho biết thêm, Biomass là nhiên liệu sinh khối chứa năng lượng hóa học, nguồn năng lượng tử mặt trời tích lũy trong thực vật qua quá trình quang hợp. Sinh khối là các phế phẩm từ nông nghiệp (rơm rạ, bã mía, vỏ, xơ bắp…), phế phẩm lâm nghiệp (lá khô, vụn gỗ…), giấy vụn, metal từ các bãi chôn lấp, trạm xử lý nước thải, phân từ các trại chăn nuôi gia súc và gia cầm. Theo ông Hùng, lợi ích đem lại khi dùng nồi hơi Biomass là góp phần xử lý các phế phẩm từ hoạt động nông nghiệp, công nghiệp như mùn cưa, trấu… Thành phần hóa học của Biomass không có hoặc rất ít S, N, P nên khi đốt không sinh ra các loại khí như Nox… làm giảm ô nhiễm không khí so với đốt nhiên liệu hóa thạch; Biomass là nguồn năng lượng tái tạo bền vững.

“Đầu tư thiết bị tiêu thụ năng lượng ở mức thấp nhất, sử dụng điện, sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả để hoạt động sản xuất kinh doanh thân thiện với môi trường, phát triển gắn liền với bền vững là mục đích của Minh Phú” – Chủ tịch kiêm Tổng giám đốc Lê Văn Quang khẳng định.

Bài, ảnh: Trần Ngọc Thọ

Bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Hãy là người đầu tiên bình luận trong bài
error: Content is protected !!