Hỏi – Đáp Thủy sản tháng 12 (P. 4)

Chưa có đánh giá về bài viết

Hỏi: Tôi nuôi cá rô phi được 4 tháng, cỡ cá 0,3 – 0,5 kg/con, mật độ 2 con/m2, cá bị bệnh chết rải rác gần 1 tháng nay, tôi đã sử dụng 3 loại thuốc kháng sinh như Sulfamid, Tetracyclin, Amoxilin nhưng cá vẫn chết, xin cho biết cách chữa trị? (Đặng Đình Khương – huyện Nghĩa Đàn, tỉnh Nghệ An)

Xem thêm Chuyên mục Hỏi – Đáp Thủy sản (Tạp chí Thủy sản Việt Nam)

Trả lời:

Theo như mô tả thì cá rô phi nhà bạn bị bệnh do vi khuẩn gây ra. Bệnh này xuất hiện và phát triển khi nhiệt độ nước cao do nắng nóng kéo dài, đã bùng phát thành dịch ở các tỉnh miền Bắc trong 2 – 3 tháng qua, gây thiệt hại lớn cho nhiều hộ nuôi. Bạn đã sử dụng kháng sinh nhưng cá vẫn không khỏi, có thể là do 2 nguyên nhân là thuốc không phải loại đặc trị và sử dụng thuốc không đủ liều lượng. Kết quả:  Trong thời gian sử dụng thuốc thì cá sẽ giảm chết nhưng khi hết thuốc thì cá lại tiếp tục chết, thậm chí còn chết nhiều hơn.

Do vậy, sau khi sử dụng nhiều loại thuốc mà cá vẫn không khỏi, lúc này vi khuẩn đã nhờn thuốc, sức khỏe của cá rất kém, bạn không nên sử dụng các loại thuốc kháng sinh khác nữa mà nên làm như sau: Thay 60 – 80% lượng nước trong ao, sử dụng hóa chất để sát khuẩn nước (BKC, Vicato, Chlorine …), liều lượng theo hướng dẫn trên bao bì. Hai ngày sau sử dụng chế phẩm sinh học bón xuống ao, dùng men tiêu hóa trộn vào thức ăn, bao dầu lại cho cá ăn với lượng bằng 60% thức ăn cho ăn hàng ngày, cá sẽ dần hồi phục sức khỏe, giảm chết và dừng hẳn.

 

Hỏi: Xin cho biết nguyên nhân gây ra bệnh mù mắt, quẹo cổ ở ếch, cách phòng và trị bệnh. Tôi có thể kết hợp 2 loại kháng sinh Cefalexin và Sulphadimidine + Thoprym lại với nhau được không? (Nguyễn Thị Bé Em – TP Cao Lãnh, tỉnh Đồng Tháp)

Trả lời:

Bệnh mù mắt, quẹo cổ ở ếch nguyên nhân do vi khuẩn gây ra. Khi ếch bị bệnh mắt có hiện tượng viêm sưng, đục và mù cả 2 mắt, cột sống cong và quẹo cổ, khi bị bệnh ếch quay vòng, giãy dụa rồi chết.

Cách điều trị: Bạn nên thay nước ao, sau đó dùng hóa chất để diệt khuẩn nước, trước khi cho ăn thuốc kháng sinh. Bạn có thể kết hợp 2 loại kháng sinh trên với liều lượng 2 – 4 g/kg thức ăn. Tuy nhiên, không nên trộn 2 loại kháng sinh này vào thức ăn cùng lúc mà nên sử dụng Cefalexin cho ếch ăn 4 ngày, sau đó sử dụng Sulphadimidine + Thoprym cho ếch ăn 3 ngày tiếp theo để tránh hiện tượng thuốc đối kháng nhau, làm giảm hoạt lực. Nên sử dụng men tiêu hóa cho ếch ăn ngay sau khi dùng kháng sinh để phục hồi lại lượng vi sinh vật có lợi trong hệ tiêu hóa của ếch.

 

Hỏi: Tôm sú nuôi được 4 tháng, mật độ 10 con/m2, tôm chậm lớn, nước có màu trắng đục, có vài con lờ đờ dạt bờ, đầu chứa đầy nước. Vậy xin hỏi biện pháp khắc phục và cách cải thiện môi trường nước? (Dương Quốc Nam – phường 8, TP Bạc Liêu, tỉnh Bạc Liêu)

Trả lời:

Tôm nuôi được 4 tháng mà nước trắng đục, chứng tỏ chất đáy ao là đất sét và nhiều huyền phù lơ lửng. Do vậy, bạn cần kiểm tra lại pH và điều chỉnh bằng vôi (pH thấp) và mật đường (pH cao), sau đó sử dụng zeolite để keo tụ các chất huyền phù làm cho nước trong hơn và giảm lượng khí độc trong ao.

Trong ao có lác đác tôm dạt bờ, đầu chứa đầy nước, với mô tả như vậy thì sẽ khó có kết luận chính xác, tuy nhiên bạn nên thực hiện các biện pháp xử lý như sau: Thay 30 – 40% lượng nước ao, sử dụng chế phẩm sinh học bón xuống ao, giảm 30% lượng thức ăn cho ăn hàng ngày. Trộn thuốc bổ gan (Glucan), Vitamin C vào thức ăn, bao dầu lại cho tôm ăn (liều lượng theo hướng dẫn trên bao bì) để tăng cường sức đề kháng cho tôm, giúp tôm khỏe lại, sau đó nâng dần lượng thức ăn theo sức ăn của tôm.

Ban KHKT - Tạp chí Thủy sản Việt Nam

Bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Hãy là người đầu tiên bình luận trong bài
error: Content is protected !!