Ngày 17/12, Cục Chế biến, Thương mại Nông lâm thủy sản và Nghề muối; Viện Kinh tế và Quy hoạch Thủy sản tổ chức Hội thảo ‘Phát triển thị trường tiêu thụ thủy sản nội địa’. Hội thảo nhằm làm rõ vai trò của thị trường nội địa trong thời điểm hiện nay, đồng thời tìm giải pháp phát triển sản phẩm thủy sản cho thị trường nội địa.
Theo báo cáo tại Hội thảo, Việt Nam là một trong những nhà sản xuất thủy sản hàng đầu thế giới. Đặc biệt hơn 10 năm trở lại đây, ngành Thủy sản đã có bước phát triển nhanh và ổn định, góp phần quan trọng vào sự tăng trưởng của nền kinh tế quốc dân. Giá trị xuất khẩu thủy sản luôn đứng đầu trong khối nông, lâm, ngư nghiệp (25%) và đứng thứ tư thế giới về sản lượng và kim ngạch xuất khẩu. Sản phẩm thủy sản Việt Nam đã có mặt và đứng vững tại 164 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới. Tuy nhiên, ngay tại “sân nhà” với 90 triệu dân với mức tiêu thụ thủy sản lên đến 27 kg/người/năm, các doanh nghiệp lại bỏ ngỏ cung ứng. Chỉ khi khủng khoảng tài chính toàn cầu và suy giảm kinh tế xảy ra, thị trường xuất khẩu thu hẹp, hàng rào kỹ thật ngày càng nhiều… các doanh nghiệp mới chú trọng tới thị trường nội địa. Rõ ràng đây không chỉ là “căn cứ” an toàn cho doanh nghiệp Việt Nam khi gặp “bão” mà còn là điểm tựa để nâng cao năng lực cạnh tranh khi tham gia “biển lớn” trên thị trường quốc tế.
Cụ thể, trong giai đoạn 2009 – 2013, chế biến thủy sản tiêu thụ nội địa có tốc độ tăng trưởng tương đối nhanh về sản lượng cũng như giá trị. Sản lượng các sản phẩm nội địa tăng lên từ 424.000 tấn lên 478.000 tấn vào năm 2013, bình quân tăng 5,5%/năm. Về giá trị, tăng từ 8.417 tỷ đồng lên 13.146 tỷ đồng, bình quân tăng 13%/năm. Sự tăng nhanh về giá trị so với sản lượng là do các sản phẩm thủy sản chế biến nội địa ngày càng đa dạng về chủng loại, chất lượng được nâng cao, đồng thời còn do xu thế giá các mặt hàng thủy sản cũng không ngừng tăng.
Thủy sản tại chợ Long Biên, Hà Nội – Ảnh: Đức Lợi
Phát biểu tại hội thảo, ông Nguyễn Trọng Thừa – Cục trưởng Cục Chế biến, Thương mại Nông lâm thủy sản và Nghề muối nhấn mạnh, hệ thống tiêu thụ nội địa có vai trò quan trọng đóng góp lớn vào sự phát triển kinh tế – xã hội địa phương, tỉnh, vùng. Để phát triển thị trường tiêu thụ thủy sản trong nước, chúng ta có một đội ngũ cơ sở chế biến hùng hậu đảm đương được các vấn đề thị trường đặt ra; Cơ sở vật chất đã được đầu tư; Sản phẩm đa dạng; Hệ thống phân phối đã được hình thành và phát triển… Tuy nhiên, ông Thừa cũng đưa ra những tồn tại và khó khăn như: Quy hoạch cho các làng nghề hầu chưa có, hạ tầng thô sơ, việc phối hợp giữa các nhà, mặc dù có nhiều chính sách nhưng nhưng việc tiếp cận vốn đầu tư cho sản xuất còn nhiều khó khăn; đặc biệt vấn đề chất lượng, an toàn vệ sinh thực phẩm vẫn còn mối lo ngại đối với người tiêu dùng. Nghiên cứu thị trường nội địa được quan tâm song còn thấp; Liên kết giữa sản xuất, chế biến, tiêu thụ vẫn còn lỏng lẻo… Chính vì vậy, để phát triển tiêu thụ sản phẩm tại thị trường nội địa, cần sự vào cuộc của Nhà nước, các doanh nghiệp và người tiêu dùng.
>> Hiện, cả nước có 140 doanh nghiệp và 3.838 cơ sở/hộ gia đình tham gia chế biến thủy sản tiêu thụ nội địa. Số cơ sở chế biến nước mắm là nhiều nhất gồm 59 doanh nghiệp và 1.441 cơ sở quy mô hộ gia đình, chiếm 42,1% và 38,6% so với tổng số các doanh nghiệp và hộ chế biến nội địa trên cả nước. |