Thực thi luật thủy sản: Tác dụng đa chiều của các mô hình thí điểm

Chưa có đánh giá về bài viết

(Thủy sản Việt Nam) – Kể từ khi Luật Thủy sản năm 2003 có hiệu lực thi hành, các mô hình thí điểm (MHTĐ) thực thi Luật Thủy sản được áp dụng tại một số tỉnh ven biển Việt Nam đã đạt được những kết quả đáng khích lệ, góp phần nâng cao hiệu quả, hiệu lực Luật Thủy sản và hoạt động quản lý Nhà nước về thủy sản.

Lấy kinh nghiệm từ thực tiễn

Với mục tiêu phát triển thủy sản bền vững về các lĩnh vực như: khai thác, bảo vệ và phát triển nguồn lợi thủy sản; giao và cho thuê mặt nước biển, quản lý nhà nước về thủy sản, an toàn vệ sinh thủy sản, kiểm ngư, cùng vai trò của các hiệp hội, cộng đồng trong quản lý thủy sản… nhằm giải quyết những hạn chế, bất cập ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất, kinh doanh thủy sản và đời sống của ngư dân Việt Nam; Đồng thời, sửa đổi, bổ sung những nội dung trong Luật Thủy sản không còn phù hợp với thực tế, những năm gần đây, Bộ NN&PTNT, Vụ Pháp chế đã chú trọng đến việc thực hiện một số nội dung (chế định) của Luật Thủy sản 2003.

Trong khuôn khổ thực hiện Dự án Luật Thủy sản giai đoạn II – đưa luật vào cuộc sống, một số địa phương đã được khảo sát, lựa chọn để áp dụng các MHTĐ, cụ thể là: Giao và cho thuê mặt nước biển tại Vân Đồn, Quảng Ninh; đăng ký, đăng kiểm tàu cá tại Sầm Sơn, Thanh Hóa; quản lý cảng cá tại Cảng cá Phan Thiết, Bình Thuận, Âu thuyền Thọ Quang, Đà Nẵng, Cảng cá Tắc Cậu, Kiên Giang; sản xuất tôm giống tại Bình Thuận; cộng đồng quản lý nuôi trồng thủy sản tại Cầu Ngang, Trà Vinh. Thông qua các MHTĐ này, nhằm tiếp tục xây dựng, hoàn thiện các văn bản quy phạm pháp luật, hướng dẫn thi hành và sửa đổi Luật Thủy sản 2003.


Bà Nguyễn Thị Kim Anh, Giám đốc Dự án Luật Thủy sản trao tặng Bằng khen cho đại diện các địa phương áp dụng có hiệu quả MHTĐ thực thi Luật Thủy sản    Ảnh: Thành Long

 

Triển khai tại địa phương

Mặc dù đã có sự phối hợp thực hiện chặt chẽ tới tận cơ sở, song nhìn chung việc triển khai các MHTĐ vẫn còn những mặt hạn chế nhất định như một số quy định về việc giao và cho thuê mặt nước biển để nuôi trồng thủy sản, đăng ký, đăng kiểm tàu cá, quản lý cảng cá vẫn còn khá mới nên một số địa phương chưa đáp ứng yêu cầu.

Đây là một trong những vấn đề đang được Bộ NN&PTNT, Vụ Pháp Chế – Dự án Luật Thủy sản đặc biệt quan tâm, xây dựng, áp dụng đồng bộ tại nhiều địa phương trên cả nước, để đảm bảo tính khả thi trong thực hiện các MHTĐ bằng các hình thức như: hỗ trợ kinh phí, tổ chức hội nghị, hội thảo, mời các chuyên gia trong và ngoài nước trực tiếp hướng dẫn kỹ thuật, chuyên môn cho bà con, ngư dân; đồng thời tăng cường thông tin tuyên truyền để bà con ngư dân kịp thời nắm bắt chủ trương, chủ động triển khai thực hiện, phù hợp với thực tiễn nghề cá tại địa bàn. Đến nay, các hoạt động thu thập, xử lý thông tin phản hồi từ áp dụng Luật Thủy sản, cùng với việc bồi dưỡng, nâng cao năng lực của cán bộ đã có sự biến chuyển rõ rệt. Nhiều địa phương đã chủ động trang bị những phương tiện, thiết bị phục vụ công tác chuyên môn, mở các lớp tập huấn, tuyên truyền về Luật Thủy sản. Đặc biệt, tại các tỉnh Hải Phòng, Kiên Giang, Bình Thuận, các MHTĐ đã phát huy hiệu quả, ngày một nhân rộng.


Lãnh đạo Bộ NN&PTNT, Vụ Pháp chế đến thăm Âu thuyền Thọ Quang, Đà Nẵng

 

Tác dụng đa chiều

Ông Nguyễn Đức Cường – Chi Cục trưởng Chi cục Thủy sản tỉnh Thanh Hóa cho biết: Thời gian qua, nhờ triển khai áp dụng MHTĐ của Dự án Luật Thủy sản, tỉnh đã xây dựng, hoàn thiện và ban hành được các văn bản về quy trình đăng ký, đăng kiểm tàu cá cấp xuống các địa phương, đến nay các địa phương đã thực hiện theo quy trình rất tốt. Còn theo báo cáo của tỉnh Kiên Giang tại Hội nghị tổng kết MHTĐ vừa qua, mặc dù việc triển khai thực hiện MHTĐ năm 2008 còn chậm, nhưng Ban quản lý đã kết hợp việc tuyên truyền phổ biến các quy định về nghề cá với xây dựng, hoàn thiện các quy chế nhằm nâng cao năng lực quản lý của cán bộ và bà con ngư dân, góp phần nâng cao hiệu quả MHTĐ.

Thứ trưởng Lương Lê Phương, Trưởng Ban chỉ đạo Dự án Luật Thủy sản nhấn mạnh: "Có thể nói, việc thực hiện các MHTĐ tại 7 tỉnh ven biển vừa qua đã tác động tích cực đến việc xây dựng, hoàn thiện văn bản quy phạm pháp luật của cơ quan quản lý nghề cá. MHTĐ đã ảnh hưởng tích cực đến nhận thức của bà con ngư dân. Hoạt động của các địa phương đã đi vào nề nềp, nhận thức trong cộng đồng được nâng cao rõ rệt, để hiểu rõ hơn về Luật Thủy sản, hoạt động nghề cá tuân thủ theo pháp luật, nâng cao trình độ, ý thức bảo vệ và phát triển nguồn lợi thủy sản tại địa phương, phù hợp với nguyện vọng của bà con ngư dân Việt Nam".

>> Luật Thủy sản 2003 là văn bản pháp lý cao nhất, là khung pháp lý tương đối hoàn chỉnh phục vụ sự phát triển của ngành thủy sản Việt Nam. Luật Thủy sản 2003 là kết quả hợp tác, thực hiện Dự án Xây dựng Luật Thủy sản Việt Nam – giai đoạn I, do Chính phủ Vương quốc Nauy hỗ trợ Chính phủ Việt Nam.

 Dự án Luật Thủy sản giai đoạn II (từ năm 2005 đến nay) chú trọng "đưa luật vào cuộc sống". Hiện, 7 tỉnh ven biển Việt Nam áp dụng MHTĐ thực thi Luật thủy sản bao gồm: Quảng Ninh, Hải Phòng, Thanh Hóa, Đà Nẵng, Bình Thuận, Trà Vinh, Kiên Giang.

 

Nhật Anh

Bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Hãy là người đầu tiên bình luận trong bài
error: Content is protected !!