Với lợi thế bờ biển dài 102 km, những năm qua, Thanh Hóa đang thực hiện nhiều giải pháp nhằm tái cơ cấu ngành thủy sản theo hướng phát triển đồng bộ từ nuôi trồng, đánh bắt đến dịch vụ hậu cần nghề cá góp phần phát triển kinh tế biển và bảo đảm quốc phòng – an ninh.
Hiện nay, toàn tỉnh có 10.350 ha nuôi trồng thủy sản nước ngọt, sản lượng nuôi trồng hàng năm đạt 24,1 nghìn tấn, tăng trưởng bình quân 6,7%/năm. Diện tích nuôi trồng nước mặn, lợ tiềm năng lớn, hiện mới khai thác khoảng 7.700 ha. Nhờ đầu tư thâm canh, ứng dụng khoa học – kỹ thuật, đặc biệt, là các loại giống mới nên đạt sản lượng nuôi trồng nước mặn, lợ luôn tăng trưởng, hiện đạt khoảng 15,9 nghìn tấn/năm. Điều đáng mừng là vài năm gần đây, hình thức nuôi thả chuyên canh đang dần thay thế hình thức nuôi quảng canh truyền thống, hiệu quả thấp.
Các địa phương cũng đã chủ động, xác định đối tượng nuôi trồng chủ lực dựa trên điều kiện của từng địa bàn. Nhiều mô hình nuôi trồng thủy sản đã và đang mang lại hiệu quả kinh tế cao, được nhân rộng như: nuôi cá lóc thâm canh trong bể xi-măng, nuôi bán thâm canh cá rô đầu vuông, nuôi ngao và cá biển, tôm sú, tôm chân trắng, cua xanh… ở các huyện Quảng Xương, Tĩnh Gia, Hoằng Hóa, Nga Sơn, thị xã Sầm Sơn…
Đầu tư nâng cấp, cải hoán tàu khai thác thủy sản thúc đẩy phát triển kinh tế biển ở xã Ngư Lộc (Hậu Lộc) – Ảnh: Lê Hợi
Cùng với nuôi trồng thủy sản, hoạt động khai thác trên biển và các dịch vụ hậu cần nghề cá tại các vùng biển cũng có bước chuyển biến tích cực. Đến thời điểm cuối năm 2014, toàn tỉnh có 7.230 phương tiện khai thác với tổng công suất 372.102 CV. Số tàu thuyền có công suất từ 90 CV trở lên, khai thác vùng khơi ngày càng nhiều, hiện đã có 1.262 chiếc, chiếm 17,5% tổng số phương tiện. Nhiều nghề truyền thống của ngư dân, như: lưới vây dày, lưới kéo đơn, lưới rê, lưới chụp mực… đang phát huy hiệu quả. Hơn 100 tàu cá làm dịch vụ trên biển ở các địa phương cũng góp phần tạo điều kiện thuận lợi cho các tàu cá bám biển dài ngày.
Dịch vụ hậu cần nghề cá cũng có bước “chuyển mình” đáng ghi nhận. Tỉnh đã đưa vào sử dụng 3 cảng cá thuộc loại lớn của khu vực Bắc Trung bộ: Cảng cá Hòa Lộc (Hậu Lộc), cảng cá Lạch Hới (thị xã Sầm Sơn), cảng cá Lạch Bạng (Tĩnh Gia) và 2 bến cá (Hoằng Trường, huyện Hoằng Hóa và Quảng Nham, huyện Quảng Xương). Các khu neo đậu tránh trú bão cho tàu cá tại Lạch Hới và Lạch Bạng đủ năng lực tránh trú an toàn cho hàng nghìn tàu thuyền trong và ngoài tỉnh khi thời tiết bất thuận.
Trên cơ sở phát huy những lợi thế và sự vượt khó của người dân các vùng biển, năm 2014, giá trị sản xuất toàn ngành thủy sản đạt 1.255 tỷ đồng, tăng 7,2% so với năm 2013. Sản lượng thủy, hải sản khai thác và nuôi trồng đạt 132,7 nghìn tấn, vượt 1,7% kế hoạch năm, tăng 7,1% so với cùng kỳ.
Phát triển kinh tế biển chính là một trong 5 chương trình trọng tâm của tỉnh theo Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVII. Theo đó, năm 2015, tỉnh đặt mục tiêu giá trị sản xuất thủy sản tăng bình quân khoảng từ 8 đến 9%. Để đạt được mục tiêu đó, UBND tỉnh đã và đang chỉ đạo ngành nông nghiệp tập trung chuyển đổi một phần diện tích nuôi tôm sú quảng canh năng suất thấp sang phát triển nuôi tôm thẻ chân trắng thâm canh nhằm tăng sản lượng và giá trị kinh tế trên cùng một đơn vị diện tích. Đồng thời, chú trọng phát triển nuôi thâm canh cá rô phi đơn tính phục vụ xuất khẩu, tiếp tục chuyển dịch diện tích lúa trũng sang nuôi trồng thủy sản theo hình thức luân canh đa dạng đối tượng nuôi. Hoạt động khai thác cũng đang được kỳ vọng khi Nghị định 67 của Chính phủ được triển khai để hiện đại hóa tàu khai thác hải sản xa bờ, nâng cao hiệu quả khai thác và giữ vững chủ quyền biển, đảo.