Tuy Phước (Bình Định): Vào vụ nuôi tôm mới

Chưa có đánh giá về bài viết

Theo kế hoạch, năm 2015 toàn huyện đưa vào nuôi tôm trên diện tích 972 ha mặt nước, trong đó có 100 ha nuôi bán thâm canh và thâm canh (BTT-TC), diện tích còn lại nuôi quảng canh cải tiến (QCCT) nuôi ghép với các đối tượng thủy sản khác.

Vụ nuôi tôm năm 2014. huyện Tuy Phước (Bình Định) tập trung chỉ đạo phát triển nuôi trồng thủy sản (NTTS) theo hướng bền vững, giảm diện tích nuôi BTC, tăng diện tích nuôi QCCT, đa dạng các phương thức nuôi gắn với bảo vệ môi trường, hạn chế dịch bệnh, nên năng suất, sản lượng đạt khá. Tổng diện tích đưa vào thả nuôi 990 ha, đạt trên 98 % kế hoạch, sản lượng tôm nuôi đạt 1.057 tấn, tăng 4,7% so với năm trước.

Từ đầu tháng 2 đến nay, Chi cục NTTS tỉnh đã phối hợp với Phòng NN&PTNT, Trạm Khuyến nông huyện Tuy Phước tổ chức nhiều lớp tập huấn NTTS nước lợ, đồng thời triển khai kế hoạch NTTS năm 2015 cho 4 xã ven đầm Thị Nại thuộc huyện Tuy Phước, gồm: Phước Thuận, Phước Sơn, Phước Hòa và Phước Thắng.

Huyện chỉ đạo chú trọng chuyển dịch cơ cấu vật nuôi, phương thức nuôi theo hướng phát triển bền vững, hiệu quả. Xây dựng các mô hình sản xuất NTTS gắn với bảo vệ môi trường sinh thái, phù hợp với từng vùng nuôi; củng cố và tổ chức hoạt động của các chi hội nuôi tôm cộng đồng, hỗ trợ xây dựng quy chế và tạo điều kiện thuận lợi cho các chi hội nuôi tôm hoạt động hiệu quả.

Vùng nuôi tôm Dương Thiện – xã Phước Sơn đã hoàn tất thả nuôi tôm vụ 1

Trên cơ sở lịch thời vụ thả tôm giống của tỉnh, huyện đã ban hành lịch thời vụ phù hợp với đặc điểm từng vùng nuôi, thời vụ thả nuôi vụ 1 bắt đầu từ 1.3 và vụ 2 từ 1.7. Đối với nuôi theo phương thức BTC-TC mật độ thả tôm giống 15 – 20 con tôm sú/m², hoặc 50 – 80 con tôm thẻ chân trắng/m²; diện tích nuôi QCCT mật độ nuôi 10 con tôm sú/m², hoặc 20 con tôm thẻ chân trắng/m²; diện tích nuôi xen giảm mật độ tôm nuôi thả xuống một nửa so với diện tích nuôi QCCT và áp dụng phương thức đánh tỉa, thả bù.

Công tác cải tạo ao, hồ trước khi thả tôm giống vào nuôi cũng được các chủ hồ tôm trên địa bàn quan tâm. Với diện tích nuôi BTC-TC, bà con đều sử dụng bạt nhựa lót đáy và bờ hồ; nuôi QCCT và nuôi xen thì cải tạo đáy ao phơi khô để cuối tháng 2 lấy nước vào gây màu, đến đầu tháng 3 thả tôm giống. Điều thuận lợi cho vụ nuôi tôm năm nay là huyện đã xử lý thu hồi toàn bộ diện tích các hộ lấn chiếm làm đăng, đùng bao lưới nuôi thủy sản trái phép trên vùng đầm Thị Nại gây nguy cơ dịch bệnh tôm lây lan. Tuy nhiên, điều đáng quan tâm là năm vừa qua không có lũ, mùn bã hữu cơ của vụ nuôi năm trước chưa phân giải hết nên môi trường vùng nuôi có nguy cơ ô nhiễm cao, dễ phát sinh dịch bệnh.

Theo ông Trần Hữu Lộc, quyền Chủ tịch UBND huyện Tuy Phước, huyện đã chỉ đạo ngành Nông nghiệp phối hợp với cơ quan chức năng kiểm tra, hướng dẫn bà con sản xuất đúng lịch thời vụ; triển khai các giải pháp kỹ thuật NTTS đạt năng suất cao để hướng dẫn nông dân thực hiện. Tăng cường công tác quản lý, phục hồi, bảo vệ và phát triển nguồn lợi thủy sản gắn với bảo vệ môi trường sinh thái. Tiếp tục thực hiện kiểm dịch tôm giống gắn với xử lý môi trường ao nuôi, phòng chống dịch bệnh trong NTTS. Phát hiện và ngăn chặn kịp thời các trường hợp sử dụng phương tiện khai thác thủy sản bị cấm (xung điện, xiếc máy, bơm hút, lưới lồng) hoặc bao chiếm mặt nước NTTS trái phép.

Thái Phiên

Báo Bình Định

Bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Hãy là người đầu tiên bình luận trong bài
error: Content is protected !!