Ngành tôm thế giới đang có dấu hiệu phục hồi dần sau đại dịch EMS nhưng năm 2015 tiếp tục bị giá thức ăn, rào cản thị trường và sự cạnh tranh khốc liệt làm khó.
Áp lực chi phí thức ăn
Chi phí thức ăn chăn nuôi tăng cao đang gây áp lực lớn với các nhà xuất khẩu thủy sản, đồng thời thách thức ngành nuôi trồng thủy sản năm 2015. Năm 2014, giá thức ăn thủy sản tại Trung Quốc tăng hơn 50%, do nguồn cung bột cá Peru giảm mạnh. Viễn cảnh khan hiếm nguồn bột cá, cộng với giá cả leo thang sẽ tiếp diễn ít nhất trong 6 tháng đầu năm 2015.
Hiện, nguồn cung bột cá thế giới đang ở mức thấp. Giá bột cá Peru xuất sang Trung Quốc đã lên 2.560 USD/tấn, tương đương 16.000 CNY và 2.400 USD/tấn tại Nhật Bản. Ngành nuôi trồng thủy sản Trung Quốc, trong đó có công nghiệp nuôi tôm, sẽ phải đối mặt nhiều khó khăn do nguồn thức ăn thủy sản nước này đang phụ thuộc 55% bột cá Peru. Bột cá nội địa Trung Quốc giá mềm hơn, khoảng 2.000 USD/tấn, nhưng đây chưa phải là mặt hàng xứng tầm chất lượng nên vẫn chưa được người tiêu dùng tin tưởng. Ngoài ra, thị phần cho bột cá Trung Quốc khá nhỏ, bởi nguồn cung không sẵn. Sản lượng bột cá năm 2015 đạt 45 triệu tấn, giảm 25 triệu tấn so năm 2013. Hai công ty đứng đầu lĩnh vực thức ăn chăn nuôi của Trung Quốc là Tongwei Group và Haid Griup, thuộc tỉnh Quảng Đông, cũng đang gặp trở ngại lớn trong kế hoạch mở rộng sản xuất kinh doanh tại Đông Nam Á, do nguồn cung bột cá quá hạn hẹp.
Rào cản thị trường
Sau đại dịch EMS cuối năm 2012, ngành tôm Thái Lan đã có nhiều dấu hiệu phục hồi. Theo Hiệp hội Tôm Thái Lan, đại dịch EMS đã gây thiệt hại hơn 100 tỷ Bath/năm 2013, phá vỡ ngôi vị đầu bảng của nước này trên thị trường tôm quốc tế. Cùng đó, ngành tôm Thái mất cơ hội được hưởng thuế suất ưu đãi tại EU, trong khi nhiều rào cản thương mại khác vẫn đang hiện hữu. Nhiều lô hàng tôm Ấn Độ xuất sang EU cũng bị trả về do không đảm bảo an toàn vệ sinh. Trước tình hình đó, nhiều nhà quản lý tại thị trường Mỹ tỏ ra lo lắng và đề xuất thắt chặt khâu quản lý hàng nhập khẩu, tránh các lô hàng không đạt chuẩn do EU trả về có cơ hội tuồn sang Mỹ. Có thể thấy, hệ thống rào cản thương mại, phi thương mại đang hiện hữu và ngày càng dày đặc hơn, đặc biệt ở nhiều thị trường có sức tiêu thụ lớn và khó tính như EU, Mỹ.
Ông Somsak Paneetatyasai, Chủ tịch Hiệp hội Tôm Thái Lan cho biết, những trại sản xuất tôm giống tại Thái Lan đang có dấu hiệu phục hồi. Quốc gia này cũng gồng mình, nỗ lực chống chọi dịch bệnh. Trước đó, Hiệp hội đã kêu gọi EU cân nhắc việc gỡ bỏ thuế quan ưu đãi trong suốt thời gian ngành tôm nước này gặp khó do EMS. Tuy nhiên, mọi hy vọng của tôm Thái Lan bị dập tắt khi EU quyết định nâng thuế nhập khẩu tôm Thái Lan từ 4% lên 12% vào đầu năm 2015. Hiệp hội đang kêu gọi chính phủ tác động, tiếp tục đàm phán với EU, nhằm xóa bỏ rào cản thương mại, điều chỉnh thuế chống bán phá giá. Tuy nhiên, phía EU khá cương quyết loại trừ tôm Thái Lan, vì những cáo buộc liên quan hoạt động thủy sản bất hợp pháp và không khai báo (IUU). Ông Somsack lo ngại, nếu EU phạt thẻ vàng ngành tôm Thái Lan do công tác quản lý thủy sản yếu kém, cùng những cáo buộc lạm dụng sức lao động, thì tôm Thái Lan sẽ khó phục hồi, dù kiểm soát được dịch bệnh EMS.
Cạnh tranh từ tôm nước lạnh
Người tiêu dùng Mỹ và EU luôn ưu ái đặc biệt tôm nước lạnh. Nếu sản lượng lớn, nguồn cung dồi dào như tôm nuôi thì có lẽ tôm châu Á khó có chỗ đứng trên thị trường quốc tế. Giá tôm nước lạnh vẫn tiếp tục tăng cao nhưng người tiêu dùng sẵn sàng chi trả. Gần đây, tôm nước lạnh được xếp vào nhóm hàng “xa xỉ”. Khai thác tôm nước lạnh tại Canada, quốc gia có sản lượng tôm nước lạnh lớn nhất thế giới, ổn định ở 98.500 tấn/năm 2013 – 2014. Sản lượng tôm vùng vịnh tại St. Lawrence và Grand Banks cao hơn, giúp tổng sản lượng tôm nước lạnh Canada đạt 140.000 tấn.
Tôm nước lạnh được ưa chuộng hơn nhờ chất lượng tốt – Ảnh: Ellsworthamerican
Theo dự báo của chuyên gia thuộc Đại học Khoa học Thủy sản Na Uy, sản lượng tôm nước lạnh năm 2015 sẽ giảm. Trước đó, tại Diễn đàn Tôm nước lạnh Quốc tế 2013, các chuyên gia thuộc cơ quan này đã cảnh báo trữ lượng tôm nước lạnh Bắc Đại Tây Dương sẽ giảm, nhưng con số thực tế năm 2014 còn tệ hơn. Dự tính, sản lượng tôm năm 2015 giảm 12%, từ 267.500 tấn xuống 235.000 tấn. Thiếu nguồn cung tôm nước lạnh, buộc các nhà nhập khẩu phải mua tôm nuôi. Có thể đây là tín hiệu vui cho tôm nuôi; tuy nhiên, nếu chất lượng không đảm bảo, chắc chắn người tiêu dùng sẽ nghĩ lại, bởi tôm không phải sản phẩm thay thế duy nhất. Tôm nước lạnh luôn được coi là sản phẩm sạch và ngon; khi nguồn cung bị thu hẹp, người tiêu dùng sẽ chuyển sang sản phẩm thay thế tương tự, nhưng không đồng nghĩa họ sẽ “nhắm mắt” mua sản phẩm chất lượng kém. Nhiều nhà nhập khẩu cho rằng tôm nước lạnh luôn là đối thủ đáng gờm của tôm nuôi, trong cuộc chiến cạnh tranh về chất lượng chứ không phải số lượng.
Ngành tôm đang phục hồi dần – Một tín hiệu đáng mừng sau sự kiệt quệ và gần như gục ngã của ngành tôm một số quốc gia, trong đó có Thái Lan. Nhưng nếu lấy mốc năm 2010 ra so sánh thì chắc chắn sự phục hồi ngành tôm toàn cầu đang quá chậm và khó trở lại “thời hoàng kim” 2010.