Ngày 10/3, UBND tỉnh Bình Định có văn bản gửi Bộ NN&PTNT báo cáo kết quả thực hiện Nghị định 67 tại địa phương.
Tới nay, tỉnh này đã phê duyệt danh sách 37 chủ tàu đủ điều kiện vay vốn đóng mới tàu khai thác và tàu dịch vụ hậu cần gồm 24 tàu vỏ thép, 2 tàu vỏ composite, 10 tàu vỏ gỗ và 1 tàu vỏ gỗ bọc composite. Hiện có 14/24 chủ tàu đăng ký đóng mới tàu vỏ thép, 4 chủ tàu ký hợp đồng tín dụng với BIDV, 10 chủ tàu còn lại đang tìm hiểu điều kiện cho vay. Trước mắt, Bình Định sẽ tổng hợp phê duyệt danh sách 41 chủ tàu cho đợt 2.
Giá tàu sắt quá cao, phần đông ngư dân muốn đóng tàu vỏ gỗ.
Tuy nhiên theo báo cáo, 21 mẫu tàu do Bộ NNPTNT phê duyệt, công bố chưa đáp ứng đầy đủ yêu cầu của ngư dân khiến chủ tàu phải tiếp tục làm việc với đơn vị tư vấn để sửa đổi, bổ sung thiết kế và trình Trung tâm Đăng kiểm tàu cá – Tổng cục Thủy sản phê duyệt lại. Trung tâm này cũng chủ yếu thẩm định, phê duyệt thiết kế kỹ thuật mà không có định mức cụ thể dẫn tới tình trạng mỗi cơ sở đóng tàu đưa ra một dự toán giá thành song không có cơ sở so sánh, thẩm định giá trị thực con tàu.
Trước đây, khi làm việc với tỉnh, 1 chiếc tàu sắt được doanh nghiệp dự toán 7 – 8 tỉ đồng. Tuy nhiên, khi ký hợp đồng đóng tàu, chi phí ngư dân phải chịu (kể cả ngư lưới cụ) lại vọt lên 17 – 18 tỉ đồng. Với giá trên, mỗi năm, chủ tàu phải trả cả gốc lẫn lãi tới 1,6 – 1,8 tỉ đồng/chiếc. Đây là yếu tố làm cho ngư dân ngán ngại tàu sắt và số đông có xu hướng muốn đóng mới tàu vỏ gỗ để giảm chi phí đầu tư.
UBND tỉnh Bình Định theo đó đề nghị Bộ NNPTNT xem xét lại thời gian hoàn thành đóng mới tàu vỏ sắt (quy định là 2 năm), hỗ trợ kinh phí để tỉnh thiết kế 4 mẫu tàu vỏ gỗ và vật liệu mới cho 2 nghề chủ lực là câu mực kết hợp mành chụp (công suất từ 400 CV đến dưới 700 CV), vây khơi (công suất 700 CV trở lên) và có ý kiến về đề xuất của ngư dân được sử dụng máy móc đã sử dụng làm máy phụ trên những con tàu đóng mới.